Lộ diện thủ phạm khiến suối Sọ đổi màu trắng sữa

Con suối chảy qua khu dân cư sau một cơn mưa bỗng nhiên nước chuyển màu trắng đục như sữa, bốc mùi hôi nồng nặc như mùi thuốc trừ sâu. Cơ quan chức năng đi kiểm tra, phát hiện ra nguyên nhân là do nước súc rửa các thùng chứa hóa chất từ một cơ sở thu gom phế liệu xả thẳng ra đầu nguồn con suối.

Nước súc rửa thùng chứa hóa chất mà xả thẳng ra suối thì không chỉ gây mùi hôi nồng nặc, gây ô nhiễm nặng nề, mà còn hủy diệt cả môi sinh của dòng suối.

Cách đây vài tháng, cũng chính dòng suối này (tên là suối Sọ), nước đã từng chuyển sang màu xanh như màu nước hóa chất.

Tuy nhiên vào thời điểm ấy, lực lượng chức năng chưa thể “bắt tận tay day tận mặt”. Còn bây giờ, thủ phạm đã lộ diện. Những thùng nhựa chứa bột hóa chất màu trắng vẫn còn tại cơ sở thu gom phế liệu trên. Hóa chất được gột rửa đi theo dòng suối, ô nhiễm được đẩy đi, phế liệu ở lại mang tới lợi nhuận cho chủ cơ sở kinh doanh.

Tại tỉnh Bình Dương, thỉnh thoảng lại xảy ra trường hợp có những con suối, con kênh bỗng dưng sau một trận mưa hay qua một đêm nước chuyển màu nổi bọt trắng xóa.

Suối Sọ bị ô nhiễm vì nước thải từ việc súc rửa thùng chứa hóa chất. Ảnh: Phạm Diện.

Cách đây mới hơn một tháng, Chi nhánh Công ty cổ phần bột giặt LIX tại Bình Dương đã bị phạt số tiền hơn 1,1 tỉ đồng vì để nước mưa cuốn trôi nguyên liệu sản xuất chảy ra môi trường với các thông số vượt chuẩn kĩ thuật nước thải nhiều lần. Khi đó, con kênh nổi bọt trắng xóa như nước  xà phòng lềnh bềnh trên mặt kênh cùng với mùi hôi nồng nặc khiến người dân lo lắng.

Có vụ xả thải gây ô nhiễm suối, kênh  là do sự cố. Nhưng cũng có vụ do sự cố tình. Không thể nói rằng, những cơ sở thu gom phế liệu như trong trường hợp hủy diệt suối Sọ kể trên không nhận thức được hành vi gây ô nhiễm của mình. Việc cấm xả nguồn nước thải từ các cơ sở sản xuất và dịch vụ thẳng ra môi trường khi chưa qua xử lí đã bị cấm từ hàng chục năm nay. Nhiều vụ xả thải vi phạm pháp luật, tàn phá môi trường sông suối và biển đã bị xử lí nặng.

Chính vì thế, hành vi xả nước súc rửa thùng chứa hóa chất ra môi trường có thể nói là cố tình trục lợi môi trường bất chấp đến môi trường sống và sức khỏe của cư dân trong khu vực. Những hành vi như thế, tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, nếu không bị xử lí hình sự thì cũng bị xử phạt vi phạm hành chính tới mức có thể sạt nghiệp, và thậm chí còn bị cấm hành nghề dài hạn.

Các cơ sở thu mua và chế biến phế liệu nằm xen lẫn trong khu dân cư hiện đang là một vấn nạn nhức nhối. Theo Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2014, các cơ sở này được giao cho chính quyền địa phương, chính quyền cơ sở cấp phép, quản lí và giám sát. Nhưng trên thực tế, không ít cơ sở như thế tự phát trong khu dân cư sau khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, và không chỉ gây ra những hệ lụy về môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ …

Đây chính là vấn đề mà Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần cân nhắc đến để bổ sung qui định chế tài, tránh cho môi trường sống trong các khu dân cư bị nhếch nhác, mất vệ sinh và ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Suối Sọ sẽ không là trường hợp đơn lẻ hay duy nhất nếu các hành vi trục lợi môi trường không bị chế tài nặng và nghiêm.