Tỉnh Long An yêu cầu ngành nông nghiệp không để xảy ra tình trạng diện tích nuôi tôm phát triển tràn lan nhằm tránh tránh gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường.
Bí thư tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An Phạm Văn Rạnh đã yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh Long An phối hợp địa phương đang diễn ra tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng nhanh chóng rà soát và cương quyết xử lý.
Đặc biệt, ngành không để xảy ra tình trạng diện tích nuôi tôm phát triển tràn lan nhằm tránh tránh gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường, đồng thời ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và các cây trồng xung quanh.
Ngoài ra, Bí thư tỉnh ủy Long An đề nghị các địa phương tập trung xử lý nghiêm đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Riêng đối với những diện tích đã đào ao nuôi, địa phương khẩn trương vận động người dân nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt khác.
Cách đây hơn 10 năm, một vài hộ dân xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa (Long An) tự đào ao từ đất lúa chỉ với 3ha để nuôi tôm thẻ chân trắng, khai thác nguồn nước ngầm mặn tại chỗ kết hợp bổ sung muối vào ao nuôi.
Lợi nhuận ban đầu cao gấp nhiều lần so với làm lúa, lợi nhuận trung bình 500-700 triệu đồng/vụ/ha. Từ đó, diện tích nuôi lan rộng ra một số xã lân cận của huyện Mộc Hóa và các huyện như Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Kiến Tường, Tân Hưng.
Hiện diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng khu vực Đồng Tháp Mười tăng lên gần 93ha; trong đó, huyện Mộc Hóa người dân tự đào ao nuôi khoảng 46ha và 67 giếng khoan trái phép. Ủy ban Nhân dân huyện Mộc Hóa đã tổ chức xử lý nghiêm các trường hợp đào ao, khoan giếng trái phép để nuôi tôm.
Cùng với đó, huyện tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục đào ao và thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, chuyển đổi sang nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt khác. Đồng thời, ngành điện lực Mộc Hóa không giải quyết cấp điện cho các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt trên địa bàn.
Theo cảnh báo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An, việc nuôi tôm thẻ chân trắng khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh hiện tại có thể đáp ứng nhu cầu của một số hộ dân.
Tuy nhiên, việc khoan giếng ngầm để lấy nước mặn, bổ sung muối để nuôi tôm và việc xả thải, rò rỉ, ngập tràn nước nhiễm mặn ra các khu vực, thủy vực nước ngọt sẽ tạo rủi ro rất khó lường.
Điều này sẽ tác động rất lớn đến môi trường và đa dạng sinh học, gây nhiễm mặn cho vùng nước ngọt, mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và khi khai thác quá mức sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm tại địa phương.