Theo một báo cáo mới nhất dựa trên công trình nghiên cứu của hơn 20 nhà khoa học hàng đầu Australia, gần 50 loài sinh vật bản địa tại quốc gia lớn nhất châu Đại Dương này có nguy cơ tuyệt chủng do tác động tàn phá môi trường từ các cuộc khủng hoảng cháy rừng trong mùa Hè 2019- 2020.
Phóng viên tại TTXVN tại Sydney dẫn báo cáo trên cho biết cháy rừng gây ảnh hưởng tới phần lớn môi trường sống của khoảng 70 loài sinh vật tại Australia, trong đó 49 loài hiện không thuộc danh sách có nguy cơ tuyệt chủng và không được bảo vệ theo luật môi trường quốc gia.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy hơn 80% môi trường số của 3 loài động vật – chuột Island Kangaroo dunnart, giống chuột túi nhỏ chân dài potoroo và tắc kè đuôi hoa thuộc dòng Kate – đã bị phá hủy. Một số loài khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, làm tăng nguy cơ đối với các loài sinh vật bản địa Australia trên mặt đất và nước ngọt thêm 14% so với danh sách được xác định trước đó theo Đạo luật Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Bảo vệ Môi trường (EPBC) có hiệu lực từ năm 2000.
Báo cáo chỉ ra rằng các đám cháy vào giữa tháng 7/2019 – 2/2020 tại Australia có quy mô và mức độ nghiêm trọng lớn nhất trong lịch sử. Mức độ tàn phá của các đám cháy này lớn hơn 50 lần so với các vụ cháy rừng được cho là tồi tệ nhất tại California (Mỹ) và lớn gấp 5 lần so với vụ cháy rừng Amazon (châu Mỹ) vào năm ngoái.
Khoảng 97.000 km2 thảm thực vật đã bị đốt cháy ở khắp các khu vực tại miền Nam và miền Đông Australia, nơi có ít nhất 832 loài động vật bản địa. Mặc dù vậy, báo cáo thừa nhận quy mô đánh giá vẫn còn hạn hẹp và chưa thống kê đầy đủ số cá thể động vật có nguy cơ tuyệt chủng do chưa phân tích được toàn diện tác động của cháy rừng đối với tất cả các loài sinh vật, bao gồm cả thực vật, động vật không xương, cá, rùa nước ngọt…
Nhà khoa học Trường Khoa học Môi trường và Trái Đất thuộc Đại học Queensland, Giáo sư James Watson, cho biết Australia cần tăng cường bảo vệ những vùng đất hiện còn nguyên vẹn, chưa chịu tác động của cháy rừng hoặc khai hoang để phát triển. Theo Giáo sư Watson, điều này rất quan trọng đối với sự sống còn của các loài vật và nếu không nhanh chóng thực thi các biện pháp bảo vệ, sẽ có nhiều hơn nữa các loài sinh vật bản địa biến mất tại Australia.
Tiến sĩ Michelle Ward tại Đại học Queensland, phụ trách điều phối nghiên cứu trên cho biết nhiều loài vật vốn đã bị suy giảm số lượng do hạn hán, bệnh tật, môi trường sống bị hủy hoại và tác động của các loài xâm lấn từ trước khi xảy ra các vụ hỏa hoạn. Hiện tình hình đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều do môi trường sống bị ảnh hưởng dẫn đến suy giảm nguồn thức ăn, thu hẹp quy mô sinh sản và mất chỗ trú ngụ phù hợp cho các loài sinh vật. Tiến sĩ Ward nhận định sẽ mất rất nhiều năm nữa để môi trường sống có thể tái tạo và nếu hỏa hoạn vẫn tái diễn, sẽ không còn thời gian cho các loài này phục hồi sự sống.
Báo cáo đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Ecology and Evolution được coi là một công trình đánh giá độc lập nhằm xem xét lại EPBC của Australia sau 15 năm chưa được cập nhật.
Tiến sĩ Graeme Samuel, tác giả báo cáo, cảnh báo môi trường của Australia đang suy giảm không bền vững và cần xây dựng lại đạo luật về môi trường để giải quyết các thách thức hiện tại, cũng như trong tương lai.
Tiến sĩ Samuel khuyến nghị một số tiêu chuẩn môi trường quốc gia, hướng tới việc tạo ra các quy tắc rõ ràng để đảm bảo sự bảo tồn, đồng thời cho phép phát triển bền vững và thành lập một cơ quan quản lý môi trường độc lập nhằm giám sát quá trình thực thi.
Liên quan các khuyến nghị trên, Bộ trưởng Môi trường Australia Sussan Ley cho biết chính phủ đã nhất trí xây dựng các tiêu chuẩn môi trường, song từ chối đề xuất thành lập “lực lượng cảnh sát môi trường độc lập”, do cho rằng các bang sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát thực thi các quy định đảm bảo môi trường.