Mới đây, tại huyện Tuần Giáo, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã công bố 2 Quyết định số 461/QĐ-UBND; Quyết định số 462/QĐ-UBND ngày 21/5/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt kết quả xác định ranh giới lưu vực và diện tích rừng nằm trong 3 lưu vực nhà máy Thủy điện Nậm Núa, Nậm Mu 2 và Thủy điện Trung Thu để làm cơ sở chi trả DVMTR.
Tham dự buổi lễ công bố có đại diện lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên, lãnh đạo UBND huyện Tuần Giáo, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn: Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ và lãnh đạo UBND các xã trên địa bàn có diện tích rừng nằm trong lưu vực nhà máy Thủy điện Nậm Núa, Nậm Mu 2 và thủy điện Trung Thu, tỉnh Điện Biên.
Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã thông qua 2 Quyết định số 461/QĐ-UBND tỉnh, ngày 21/5/2020 về việc phê duyệt kết quả xác định ranh giới lưu vực và diện tích rừng trong lưu vực nhà máy Thủy điện Nậm Núa, Nậm Mu 2. Cả 2 lưu vực thuộc hệ tọa độ VN 2000 – Điện Biên). Cụ thể, trong lưu vực nhà máy thủy điện Nậm Núa có điểm đầu ra lưu vực có tọa độ là X = 492.794, Y = 2.356.435, diện tích lưu vực 130.647,1ha, diện tích rừng trong lưu vực 62.517ha. Lưu vực nhà máy thủy điện Nậm Mu 2 có điểm đầu ra tọa độ là X = 533.395, Y = 2.410.317, diện tích lưu vực 53.081,5ha, diện tích rừng trong lưu vực 14.332ha.
Quyết định số 462/QĐ-UBND, ngày 21/5/2020 của UBND tỉnh về phê duyệt kết quả xác định ranh giới lưu vực và diện tích rừng trong lưu vực nhà máy Thủy điện Trung Thu. Trong đó, điểm đầu ra có tọa độ là X = 526.241; Y = 2.426.849, diện tích lưu vực 189.390,2ha, diện tích rừng trong lưu vực 58.775,7ha.
Theo bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên: Việc công bố các Quyết định của UBND tỉnh Điện Biên là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thuộc lưu vực các nhà máy Thủy điện Nậm Núa, Nậm Mu 2 và Thủy điện Trung Thu, tỉnh Điện Biên. Để các cơ quan quản lý và các chủ rừng nằm trong lưu vực nắm bắt được ranh giới, vị trí, khu rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.