Trong khi Top 5 các quốc gia giàu nhất châu Phi không thay đổi, những biến động đã được ghi nhận trong Top 10.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố dữ liệu về sự giàu có của thế giới dựa theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo bảng xếp hạng mới về các nền kinh tế mạnh nhất ở châu Phi, nhìn chung, các quốc gia châu Phi có nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khoáng sản… đều ở vị trí tốt nhất.
Theo đó, WB đã công bố bảng sắp xếp mới dựa theo GDP của năm 2019 (tính bằng USD) đối với các quốc gia trên hành tinh, tức là định lượng tổng giá trị “sản xuất của cải” hàng năm. Đối với châu Phi, dường như các nước lớn có nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng (dầu mỏ, khoáng sản…) là một trong những nước giàu có nhất ở châu lục này.
Tuy nhiên, nếu Top 5 của các quốc gia giàu nhất trên lục địa không thay đổi, thì những biến động được ghi nhận trong Top 10.
Ngoài tác động của giá dầu đối với tăng trưởng GDP ở một số quốc gia, WB cũng nhấn mạnh tác động của sự mất giá đối với một số loại tiền tệ châu Phi so với đồng USD. Điều này đã tác động mạnh đến GDP của nhiều quốc gia trên lục địa.
Giống như những năm trước, Nigeria, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai tại châu Phi, vẫn giữ được vị thế là cường quốc kinh tế lớn nhất châu lục với GDP ước tính khoảng 448,12 tỷ USD. “Gã khổng lồ” châu Phi này (vừa là quốc gia đông dân nhất châu Phi với hơn 200 triệu dân) đã cố gắng duy trì vị trí số 1 của mình, bất chấp khủng hoảng đang diễn ra trong những năm gần đây.
Tuy nhiên trên thực tế, GDP của Nam Phi đã giảm đến 21,17% so với mức đỉnh điểm của năm 2014, khi GDP đạt 568,50 tỷ USD nhờ vào giá dầu trên thị trường thế giới tăng cao. Nền kinh tế Nigeria phụ thuộc nhiều vào tiền bán dầu, song nước này đang bắt đầu đa dạng hóa, chuyển đổi nhiều hơn sang phát triển nông nghiệp và công nghiệp.
Bị Nigeria bỏ xa phía sau, thế nhưng Nam Phi và Ai Cập, với GDP ước tính lần lượt là 351,43 tỷ USD và 303 tỷ USD, tiếp tục giữ vị trí thứ hai và ba như các năm trước.
Trong suốt một thập kỷ dưới nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Jacob Zuma, Nam Phi đã ghi nhận suy giảm kinh tế đáng chú ý do tham nhũng và không có đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực chìa khóa như năng lượng. Hiện tại, sự thiếu điện đã ảnh hưởng lớn đến chỉ số GDP của nước này.
Điều tương tự cũng xảy ra với Ai Cập, quốc gia có GDP giảm 9%, xuống còn 303,1 tỷ USD trong năm 2019, so với mức đỉnh điểm được ghi nhận vào năm 2016 là khoảng 332,9 tỷ USD.
Đây cũng là trường hợp của Algeria, quốc gia có GDP ở mức 169,98 tỷ USD trong năm 2019, sau khi đạt mức đỉnh GDP cao nhất vào năm 2014 là 213,81 tỷ USD. Biết rằng trong năm 2014, giá dầu trên thị trường thế giới tăng kỷ lục khoảng 140 USD/thùng. Chính vì thế, sau khi giá dầu giảm liên tục vào các năm sau đó, GDP của Algeria liên tiếp sụt giảm, để mất đến 20,5% giá trị của năm 2014.
Morocco là quốc gia duy nhất trong Top 5 cường quốc kinh tế của lục địa này có GDP tiếp tục tăng mạnh, đạt mức cao nhất vào năm 2019 là 118,72 tỷ USD. Để có được những kết quả này, Vương quốc Morocco đã thúc đẩy sự năng động hơn trong nền kinh tế, biến nó trở nên đa dạng hơn trong những năm gần đây, đặc biệt trong các lĩnh vực như ô tô, hàng không, du lịch….
Ngoài ra, Morocco là một trong 5 quốc gia mạnh nhất về kinh tế ở châu Phi có đồng tiền tương đối vững mạnh, nhờ vào việc neo giữ theo các đồng tiền mạnh như đồng euro và USD, trong khi đồng nội tệ của các quốc gia khác bị “mất giá” mạnh trong những năm gần đây. Rõ ràng, Morocco là quốc gia duy nhất trong Top 5 này tiếp tục tạo ra giá trị để giúp tăng GDP.
Ngoài Top 5 phía trên, top 5 còn lại (trong top 10 của châu Phi) đã có sự biến động đáng chú ý. Ethiopia đã leo lên vị trí thứ sáu trong số các quốc gia phát triển nhất ở châu Phi, với GDP ở mức 96,11 tỷ USD trong năm 2019.
Ethiopia được xem là đất nước năng động nhất tại châu Phi trong thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm là hơn 10%. GDP của Ethiopia tăng từ 31,95 tỷ USD vào năm 2011 lên 96,16 tỷ USD trong năm 2019. Điều này cho thấy số tài sản của nước này đã tăng lên hơn 3 lần trong một thập kỷ qua.
Tuy nhiên, Ethiopia đang bị bám sát bởi người hàng xóm Kenya. Trong cùng một thập kỷ qua, Kenya đã chứng kiến GDP của mình tăng từ 40 tỷ USD năm 2010 lên mức 95,5 tỷ USD vào năm 2019, tăng 138,75% và giữ vị trí thứ bảy trong bảng xếp hạng này.
Hai quốc gia Đông Phi này (Ethiopia và Kenya) có nền kinh tế không dựa vào việc khai thác nguyên liệu thô, mà dựa chính vào nông nghiệp, do đó ít phụ thuộc vào sự thất thường của giá dầu và nguyên liệu thô.
Điều ngược lại là trường hợp của Angola, nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi. Nằm trong Top 5 các cường quốc kinh tế lớn nhất châu Phi vào hai năm trước, thế nhưng, hiện quốc gia này lại xếp thứ tám trên bảng xếp hạng, với GDP trị giá 94,63 tỷ USD.
Vào năm 2014, Angola giữ vị trí thứ năm trong số các cường quốc kinh tế lớn nhất châu Phi, với GDP đạt mức cao nhất là 145,71 tỷ USD, nghĩa là GDP của nước này đã giảm hơn 51,08 tỷ USD.
Cuối cùng, hai vị trí còn lại Top 10 cường quốc kinh tế châu Phi lần lượt thuộc về Ghana và Tanzania, với GDP tương ứng là 66,98 tỷ USD và 63,18 tỷ USD vào năm 2019. Hai quốc gia này đã chứng kiến mức GDP của mình tăng lần lượt là 108,01% và 97,50%.
Về mặt triển vọng, GDP của hầu hết các nước lớn này sẽ trải qua sự sụt giảm đáng kể trong năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là đối với những nước phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và các nguyên liệu như Nigeria, Algeria, Angola và Nam Phi. Tất cả các nước này sẽ bị suy thoái mạnh trong năm nay.
Sự suy thoái kinh tế kết hợp với sự mất giá mạnh của đồng nội tệ sẽ có tác động mạnh mẽ đến GDP của các cường quốc kinh tế châu Phi này. Bảng xếp loại này sẽ bị biến động mạnh vào cuối năm 2020.
Trên thực tế, giống như Sudan, đất nước từng giữ vị trí thứ sáu trong số các nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Phi năm 2017, với GDP ước tính khoảng 117,4 tỷ USD, giờ nước này đã bị loại khỏi Top 10. Điều này có nghĩa là không nói trước được điều gì.
Cuối cùng, theo bảng xếp hạng của WB, ở cấp độ toàn cầu, Mỹ là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, với GDP ước tính là 21.427,7 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc (14.342 tỷ USD), Nhật Bản (5.081,8 tỷ USD), Đức (3.845,63 tỷ USD) và Ấn Độ (2.875,14 tỷ USD).