Cơ chế ưu đãi của Chính phủ đã thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào sản xuất điện năng lượng tái tạo, góp phần giảm nguy cơ thiếu điện, hướng phát triển ngành điện theo hướng bền vững. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn cần chính sách phát triển phù hợp.
Điện năng lượng tái tạo chiếm 9,5% tổng công suất
Theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế từ năm 2021 trở đi vẫn tăng trưởng ở mức cao từ 8 – 10%/năm. Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu than và khí, sắp tới là khí hóa lỏng. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thủy điện thiếu nước để sản xuất; một số dự án nhiệt điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ gây áp lực rất lớn đảm bảo nguồn cung điện.
Trong bối cảnh đó, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), nhất là điện gió và điện mặt trời được xem là xu hướng tất yếu, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo để phát điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), việc phát triển nguồn NLTT giúp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa tận dụng được nguồn đất hoang hóa không thể canh tác nông nghiệp đối với dự án nối lưới; tận dụng được hàng chục triệu mái nhà của hộ dân, cơ quan, công sở, khu công nghiệp để lắp đặt điện áp mái.
Thời gian qua, nguồn NLTT bổ sung kịp thời các nguồn điện đang chậm tiến độ; gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương, doanh nghiệp và tạo việc làm cho người lao động; giúp hình thành ngành công nghiệp NLTT của đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nguồn NLTT. Với cơ chế thông thoáng cùng sự vào cuộc tích cực của Bộ Công thương, địa phương, các doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực của ngành điện, chỉ trong vài năm trở lại đây, điện NLTT đã có bước phát triển vượt bậc, cả nước hiện đã có 109 nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành, với tổng công suất 5.053MW; 11 nhà máy điện gió, với tổng công suất 429MW. Công suất nguồn NLTT đang chiếm 9,5% tổng công suất toàn hệ thống điện. Sản lượng phát của nguồn điện này trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 5.187 triệu kWh, chiếm gần 4,6% tổng sản lượng điện toàn hệ thống” – ông Dũng cho hay.
Xây dựng chính sách, hạ tầng truyền tải đồng bộ
Bên cạnh những kết quả trên, ông Dũng cho biết, sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của NLTT thời gian qua cũng còn gặp một số hạn chế. Cụ thể, lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn NLTT; chưa có đủ nguồn dự phòng, hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp NLTT ở quy mô lớn; chính sách phát triển NLTT không được áp dụng trong thời gian dài; chưa có cơ chế thu hút vốn đầu tư phát triển NLTT thông qua cơ chế đấu thầu. Đặc biệt, chưa có nghiên cứu tổng thể phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Còn theo ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), NLTT hiện nay còn phát triển nóng và tập trung ở một số địa phương nên đã ảnh hưởng lớn đến việc giải tỏa công suất cũng như việc điều độ, vận hành hệ thống điện. Hiện nay, chúng ta đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái. Đây là vấn đề cần được quan tâm vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống điện trung, hạ áp trong thời gian sắp tới.
Để phát triển NLTT trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực NLTT, để có thể phát triển mạnh và bền vững thì cần tập trung vào chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.
Về chính sách, với các dự án NLTT quy mô công suất lớn sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi thấp nhất. Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi và lưới truyền tải.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển các hệ thống NLTT phân tán phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân… lắp đặt điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho chính nhu cầu của mình cùng kết hợp với điện mua từ lưới điện. Đồng thời, tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ và tăng cường kết nối lưới điện khu vực. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn điện NLTT, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả.