Nam Phi, một trong 30 quốc gia khan hiếm nước nhất thế giới đã dỡ bỏ tình trạng thảm họa quốc gia do hạn hán nghiêm trọng, gây ra sự chỉ trích từ ngành nông nghiệp.
Các khu vực của Nam Phi đã phải chịu đựng những năm thời tiết nóng bất thường và lượng mưa dưới mức trung bình. Hạn hán do El Nino gây ra tấn công miền Nam châu Phi hồi năm 2015 đã thiêu rụi vùng đất chăn thả và ảnh hưởng đến sản lượng mùa màng.
Nhóm vận động hành lang nông nghiệp Agri SA cho biết quyết định của chính phủ – nơi tài chính eo hẹp do nợ quốc gia tăng – bỏ tuyên bố hạn hán là một việc kỳ lạ đến khó tin và yêu cầu xem xét lại nghiên cứu và dữ liệu dẫn đến việc bãi bỏ.
“Một vấn đề đáng lo ngại là người đứng đầu Trung tâm quản lý thảm họa quốc gia Nam Phi đã phớt lờ việc một phần lớn các mũi phương Tây, Đông và Bắc tiếp tục chịu tác động của đợt hạn hán kéo dài nhất trong 100 năm qua”, Agri SA tuyên bố.
“Quyết định được đưa ra sau khi chính phủ đánh giá lại mức độ nghiêm trọng của hạn hán sau khi hết hạn thảm họa quốc gia vào ngày 4/7”, người đứng đầu Trung tâm quản lý thảm họa quốc gia, Mmaphaka Tau cho biết.
Tình trạng chính thức của thảm họa cho phép nông dân đang gặp khó khăn nhận hỗ trợ tiền mặt và nguyên liệu trong thời gian hạn hán.
Ông Tau kêu gọi tất cả các bên liên quan hợp tác với chính phủ trong việc thực hiện các biện pháp thích ứng với hạn hán và biến đổi khí hậu – như các bước bảo tồn nước và cây trồng chịu hạn – để giảm tác động của lượng mưa thấp.
Agri SA cho biết số tiền cứu trợ thiên tai lên tới 139 triệu rand (tương đương 8,34 triệu USD) do chính phủ cung cấp sau khi tuyên bố hạn hán quốc gia vào ngày 4/3 là một phần chi phí thực tế cho ngành nông nghiệp trong 5-8 năm qua.
Theo Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu ở Nam Phi, nhiệt độ của Nam Phi đang tăng gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu và ở phần lớn Nam Phi, mực nước trong các hồ chứa đang giảm dần.
Mai Đan (Tổng hợp từ Reuters)