Chỉ một bãi rác tạm đóng cửa, Hà Nội lại ngập rác. Gần 5.000 tấn rác mỗi ngày bị ùn ứ, dồn đống, bốc mùi giữa trời nắng nóng gần 40 độ C. Đó chỉ là một phần trong câu chuyện người Hà Nội phải sống chung với ô nhiễm bên cạnh nỗi lo bụi mịn, khí thải độc hại.
Bãi rác Nam Sơn lần thứ 7 chặn rác
Việc người dân xung quanh bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn – Hà Nội) dùng phương tiện chặn rác không phải lần đầu. Kể từ khi bãi rác được hình thành từ năm 1999, cho đến nay đã có tới 7 lần dân chặn xe rác. Riêng trong năm 2019, đã có ít nhất 3 đợt, người dân Nam Sơn không cho các xe rác vào bãi. Và cả 3 lần, người dân trong nội thành “chao đảo” vì rác.
Cần cơ chế mở để xử lý rác thải
Bãi rác Nam Sơn được đưa vào khai thác từ năm 1999 với hai giai đoạn cùng 18 hố chôn lấp rác thải. Cho tới nay, các hố này cũng gần đây và theo kế hoạch bãi rác Nam Sơn sẽ ngừng tiếp nhận rác từ năm 2021.
Để xử lý hàng ngàn tấn rác mỗi ngày, UBND TP cũng đã lên kế hoạch xây dựng chấp thuận đầu tư 4 nhà máy đốt rác phát điện, phấn đấu đến năm 2021 đi vào hoạt động như: Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn/ngày đêm; Khu xử lý chất thải Đồng Ké, huyện Chương Mỹ, công suất 1.500 tấn/ngày đêm; Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn, công suất 1.000 tấn/ngày đêm; Dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, công suất 500 tấn/ngày đêm.
Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng các dự án này đang bị vướng. Trong đó nổi lên dự án điện rác Nam Sơn được chấp thuận đầu tư từ năm 2017 với tổng vốn lên tới 7.000 tỉ đồng bằng vốn nước ngoài. Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ.
Dự kiến, lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện/giờ. Dự án này do CTCP Môi trường năng lượng Thiên Ý là chủ đầu tư, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Tính đến tháng 5.2020, dự án đã hoàn thành khoảng 45% khối lượng công việc bao gồm công tường bao khu vực; sàn đổ rác nhà máy chính; bể rác số 1; bể rác số 2; sàn sau lò nhà máy chính; phòng tuabin hơi; nhà hành chính; tường bao phía Nam; trạm tăng áp; trạm xử lý nước thải; lắp đặt cẩu tháp số 1 và số 2; lắp đặt hệ thống lò đốt số 2 và số 3…
Tuy nhiên, do ảnh hưởng tới dịch COVID-19, lực lượng chuyên gia, công nhân kỹ thuật nước ngoài không thể sang Việt Nam nên tiến độ dự án có thể chậm lại dù theo kế hoạch dự án điện rác Nam Sơn sẽ chạy thử vào tháng 11.2020 và đưa vào vận hành vào tháng 12.2020.
Vấn đề rác thải tại Hà Nội, ngoài việc khẩn trương xây dựng các nhà máy đốt rác hiện đại thì Hà Nội cần có thêm những chính sách, cơ chế mang tính đặc thù trong bảo vệ môi trường.
Theo Luật Thủ đô có hiệu lực từ năm 2013, tại điều 14 có ghi rõ về quản lý và bảo vệ môi trường. Cụ thể, khoản 2 điều 14 Luật Thủ đô ghi: “Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích. Việc cải tạo sông, suối, hồ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt phải phù hợp với quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô”.
Tuy nhiên, trong nhiều cuộc họp tại Hà Nội, đã có các ý kiến cho rằng, luật chưa có quy định về chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường, nhất là cơ chế chính sách hỗ trợ để di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành.
Bộ máy quản lý nhà nước về môi trường nói chung, cán bộ quản lý môi trường các cấp còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phân cấp quản lý; lực lượng thanh tra còn mỏng, chưa có hệ thống thanh tra chuyên ngành…