Tính trong 100 năm, khí methane có khả năng làm Trái Đất ấm lên cao hơn gấp 28 lần so với khí CO2 và nếu tính trong 20 năm, mức chênh lệch có thể lên đến hơn 80 lần.
Ngày 15/7, một nghiên cứu quy mô quốc tế đã chỉ ra rằng lượng phát thải khí methane (CH4) đã tăng 9% trong thập kỷ qua, do nhu cầu năng lượng và thực phẩm “không có điểm dừng” của con người.
Khí CH4 có khả năng làm Trái Đất ấm lên cao hơn nhiều lần so với khí CO2. Cụ thể, tính trong 100 năm, khí methane có khả năng làm Trái Đất ấm lên cao hơn gấp 28 lần so với khí CO2 và nếu tính trong 20 năm, mức chênh lệch có thể lên đến hơn 80 lần.
Mật độ khí CH4 trong bầu khí quyển đã tăng hơn gấp đôi kể từ thời kỳ cách mạng công nghiệp.
Theo nhóm nghiên cứu, bên cạnh một số nguồn phát thải khí methane trong tự nhiên như các vùng đầm lầy và hồ, các hoạt động của con người cũng là một nguồn chính, gây ra tới 60% lượng CH4 thải ra môi trường.
Các nguồn phát thải CH4 do con người gây ra được chia thành ba loại chính gồm khai thác và đốt cháy nhiên liệu hóa thạch để tạo ra điện, sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả chăn nuôi) và xử lý rác thải.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã được nhiều nước tham gia, với cam kết giảm phát thải để hạn chế nhiệt độ nóng lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mặc dù lượng khí thải nhà kính được kỳ vọng giảm xuống trong năm nay do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến nhiều hoạt động ngừng trệ, nhưng mật độ CH4 trong khí quyển vẫn đang gia tăng mỗi năm. Xu hướng này củng cố cho giả thuyết do Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu rằng đến năm 2100, Trái Đất sẽ nóng lên từ 3-4 độ C.
Trưởng nhóm nghiên cứu, bà Marielle Saunois, đồng thời là nhà khoa học tại Phòng Nghiên cứu khí hậu và môi trường của Pháp, cho rằng việc liên tục cập nhật lượng khí CH4 có trong bầu khí quyển là điều cần thiết, do việc giảm thiểu lượng khí thải này ra môi trường sẽ nhanh chóng tạo ra tác động tích cực đến khí hậu toàn cầu.
Bà cũng cho rằng để có thể đạt mục tiêu trong Hiệp định Paris, thế giới không chỉ cần cắt giảm lượng khí CO2 mà còn cả CH4.
Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Carbon toàn cầu, một hiệp hội gồm hơn 50 viện nghiên cứu trên thế giới, đã thu thập dữ liệu từ hơn 100 trạm quan trắc không khí.
Kết quả cho thấy lượng khí CH4 phát thải hằng năm ở giai đoạn hiện nay cao hơn 50 triệu tấn so với giai đoạn từ năm 2000-2006. Ước tính khoảng 60% lượng khí methane do con người gây ra khi sản xuất nông nghiệp và xử lý rác thải, trong đó có tới 30% đến từ chất thải gia súc và cừu.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện 22% lượng CH4 do con người tạo ra liên quan đến hoạt động khai thác, sử dụng các loại dầu mỏ và khí đốt, trong khi 11% đến từ các mỏ than đá.
Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây dựa trên các phương pháp đo đạc mới bằng dữ liệu vệ tinh lại chỉ ra rằng lượng khí CH4 mà ngành công nghiệp dầu khí phát thải có thể cao hơn nhiều so với thống kê của dự án nói trên, vốn chỉ bao gồm dữ liệu đến năm 2017.
Nhìn chung, lượng khí CH4 thải ra môi trường có xu hướng tăng lên, nhưng biến động khác nhau ở từng khu vực. Châu Phi, Trung Quốc và châu Á, mỗi khu vực thải ra từ 10-15 triệu tấn CH4/năm, trong khi con số này ở Mỹ là 4-5 triệu tấn, châu Âu là khu vực duy nhất có mức phát thải CH4 giảm từ 2-4 triệu tấn kể từ năm 2006.
Trong khi đó, Liên hợp quốc cho rằng để đạt mục tiêu tham vọng hơn nữa trong Hiệp định Paris về mức nhiệt nóng lên dưới 1,5 độ C, tất cả lượng khí thải nhà kính phải giảm 7,6%/năm trong thập kỷ này.