Dù từng đánh bắt rùa biển, các ngư dân vùng Senegal đã gia nhập lực lượng bảo vệ một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất đại dương – rùa biển.
Có 3 loài rùa có thể tìm thấy dọc bờ biển Senegal ở Tây Phi. Phổ biến nhất là loài rùa xanh cùng với rùa quản đồng và rùa da, những loài rùa nặng đến hơn 600 kg.
Chúng đều là những sinh vật biển tuyệt đẹp, nhưng lại bị đe doạ bởi ô nhiễm và nạn săn bắt trộm.
“Dù chúng tôi từng là những kẻ tiêu thụ thịt rùa nhiều nhất, nhưng giờ chúng tôi đã trở thành những người bảo vệ lớn nhất của chúng”, ông Abdou Karim Sall, một ngư dân đang quản lý một khu bảo vệ rùa, cho biết.
Khoảng 30 năm trước, thịt rùa được bán rộng rãi trên phố tại Joal, một trong những cảng cá quan trọng nhất Senegal, và tại Fadiouth, một ngôi làng gần cảng được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo.
“Chúng tôi ăn thịt rùa ngoài phố, và cũng chế biến thịt rùa ở nhà”, ông Sall, quản lý khu bảo tồn biển MPA của Joal – Fadiouth, cách Dakar hai tiếng đồng hồ về phía Nam.
Được thành lập vào năm 2004, và nhận sự hỗ trợ từ chính phủ, chính quyền địa phương và nhiều hiệp hội, MPA có diện tích đến 147 m2 và được tạo thành từ những bãi cát trải dài theo một dải biển rộng 8 km, cũng như một vùng rừng ngập mặn và thảo nguyên.
Đây là khu vực bảo tồn những loài di cư đang bị đe doạ, chẳng hạn như rùa biển.
Mục tiêu của MPA là bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như cải thiện năng suất đánh bắt và lợi ích kinh tế – xã hội cho người dân địa phương.
Rùa biển di chuyển dọc theo dải khí hậu nhiệt đới biển Đại Tây Dương hơn một nghìn km trong quá trình di cư. Cuộc di cư này bắt đầu từ quần đảo núi lửa Cape Verde và kết thúc tại Guinea-Bissau, ngay phía nam Senegal, nơi sinh sản của chúng khi trưởng thành.
Rùa xanh là động vật ăn cỏ trong khi các loài khác thích ăn cua và nhím biển.
Thức ăn của chúng là những thảm cỏ biển mọc rất nhiều ở vùng nước nông của Senegal, đặc biệt là trước Joal.
Rùa biển giúp duy trì nơi sinh sản và ươm giống cho nhiều loài cá và điều này thúc đẩy sự phát triển kinh tế – đặc biệt là ngành đánh cá, trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ khoảng 500.000 người Senegal.
Bị mắc kẹt trong những chiếc lưới đánh cá
Chuyến đi dài của những chú rùa biển ngày càng đối mặt nhiều nguy hiểm.
Nhựa là một mối nguy đang gia tăng vì chúng thường nhầm túi nhựa với những con sứa – thực phẩm yêu thích của chúng, ngay cả đối với rùa xanh. Và, bất chấp những nỗ lực của ông Sall và những người bảo vệ khác, chúng vẫn bị vướng vào lưới đánh cá của ngư dân.
Trên một chiếc thuyền di cư, một chú rùa nặng đến 1 tạ bị mắc vào lưới và phải mất rất nhiều sức lực để lôi nó lên.
Họ gỡ con rùa ra khỏi lưới và thả nó trở lại biển.
“Không có lợi lộc gì khi ăn thịt rùa biển cả, chúng có ích với rất nhiều loài sinh vật biển. Nơi nào có rùa sẽ có nguồn tôm và bạch tuộc dồi dào”, thuyền trưởng Gamar Kane giải thích.
Từ năm 2000, ông Sall, với tư cách là hội trưởng hiệp hội ngư dân địa phương và quản lý của MPA, đã giúp cho những người dân bản địa, thậm chí những người từng buôn bán thịt rùa, nhận thức rõ hơn về việc bảo vệ rùa biển.
Theo ông, số lượng rùa biển đã “giảm khoảng 30% trong vòng 20 năm trở lại đây”. Tuy nhiên, gần như 500 du khách mỗi năm ai cũng sẽ chụp được một bức ảnh kỷ niệm đáng nhớ về hàng nghìn chú rùa biển nằm dọc theo bờ cát. Nếu may mắn, họ cũng có thể nhìn thấy một con hải ngưu (bò biển) đang bình yên gặm cỏ.
Thay vì đặt ra những luật cấm, MPA đang cố gắng giáo dục cộng đồng về những lợi ích kinh tế mà rùa biển mang lại, nhờ đó người dân có thể tham gia dự án.
Bảo vệ mái nhà của rùa biển
Từ tháng 6 đến tháng 10, có đến vài chục chú rùa không đẻ trứng trên các bãi biển Joal nữa. Khoảng 20 nhân viên MPA và tình nguyện viên đã bảo vệ tổ của chúng bằng hàng rào.
Khoảng 45 ngày sau, “mọi người đến vào lúc 6h để những kẻ săn mồi không bắt con non”, ông Sall nói.
Mối nguy hiểm đến từ những con thằn lằn thích trứng, những con chim sà xuống ngay khi rùa con nở, và cả những con cá chày mỗi khi chúng xuống biển. Theo ông Sall, cơ hội sống sót của một chú rùa non không lớn hơn một phần nghìn.
Tuy nhiên, nâng cao nhận thức cộng đồng đã không phát huy đầy đủ tác dụng. Một số ngư dân thậm chí vẫn săn bắt rùa.
Vào cuối tháng 6, xác của một chú rùa xanh non được tìm thấy trên một bãi biển ở Dakar và có một vết cắt trải dọc theo chiều dài bụng nó.
“Đuôi và cơ quan sinh sản của nó đã bị loại bỏ với lý do ‘y tế'”, Charlotte Thomas, một quan chức của tổ chức phi chính phủ (NGO) Oceanium tại Senegal, cho biết.
Vì thế, cuộc đấu tranh để bảo vệ rùa biển vẫn cần phải được tiếp tục.