Bài phân tích trên The Business Times số ra mới đây nhận định rằng, khu vực châu Á sẽ không bao giờ quay trở lại trạng thái như trước. Do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và những nhân tố địa chính trị, xã hội liên quan khác, châu Á sẽ không chỉ thay đổi nhanh hơn phần còn lại của thế giới, mà còn xác định mức độ thay đổi ở phần còn lại của thế giới.
Từ kinh tế…
Đại dịch Covid-19 đã có tác động đáng kể đến khu vực châu Á. Nhiều điều khác nữa sẽ xảy ra. Những tác động kinh tế sẽ sâu sắc hơn và kéo dài hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990 và sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định chính trị.
Khi một số nước hướng tới việc mở cửa trở lại nền kinh tế và nới lỏng các biện pháp hạn chế, sẽ có nhiều thay đổi cơ bản hơn và có khả năng còn ảnh hưởng kéo dài ngay cả sau khi dịch bệnh chấm dứt.
Đại dịch đang làm xáo trộn sức mạnh kinh tế trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quyết định của các chính phủ đang được thay đổi khi các quan chức tính toán về cách thức thu hút vốn nước ngoài, duy trì tính liên tục của thương mại và cạnh tranh trong một thế giới hậu Covid-19.
Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta chứng kiến việc Thái Lan cân nhắc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay Trung Quốc sửa đổi danh sách đầu tư.
Các công ty, đang chứng kiến sự suy giảm đột ngột và những sự gián đoạn lớn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ xem xét lại những lựa chọn của họ trong vài năm tới khi họ đánh giá trách nhiệm của các chính phủ và tác động của đại dịch Covid-19 đối với một số lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe hay quốc phòng.
Ngoài các chiến dịch triển khai mạnh mẽ như chiến dịch “Made in India” của Ấn Độ vừa được nối lại của hay các gói kích thích kinh tế lớn ở các nước như Nhật Bản, các công ty thành công nhất sẽ không chỉ phản ứng, mà còn tích cực định hình đối với môi trường hậu Covid-19.
… đến chính trị
Về lĩnh vực chính trị, đại dịch sẽ làm thay đổi số phận của các chính phủ ở khu vực với những tác động dài hạn. Về hoạt động chính trị đối nội, chỉ riêng trong nội bộ khu vực Đông Nam Á, đại dịch Covid-19 đã tác động đến các cuộc bầu cử ở Singapore và Myanmar, trong khi Malaysia phải đối phó với sự sụp đổ bất ngờ của liên minh cầm quyền.
Những tác động cũng đã vượt ra ngoài yếu tố địa chính trị. Đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật những nhận thức về Trung Quốc với những cáo buộc Bắc Kinh sử dụng “chủ nghĩa cơ hội đại dịch” trong xung đột biên giới với Ấn Độ hay ở Biển Đông.
Trung Quốc cũng đã làm trầm trọng thêm những lo ngại trong khu vực về vai trò suy giảm của Mỹ ở khu vực châu Á và thế giới. Và người ta ngày càng cảm thấy lo lắng khi ngày bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.
Trong khi tập trung vào những tác động về chính trị và kinh tế của dịch bệnh Covid-19 và trạng thái bình thường mới, chúng ta cũng cần chú ý thận trọng hơn đến những tác động lâu dài của dịch bệnh đối với xã hội và người dân nói chung.
Điều đã trở nên rõ ràng đối với người dân châu Á là ngoài những tác động đối với mọi thứ như thu nhập hộ gia đình và công ăn việc làm, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi cách thức làm việc, cũng như niềm tin vào vai trò của chính phủ trong xã hội.
Ngay cả khi các nước trở về trạng thái bình thường mới, nghiên cứu của Công ty tư vấn BowerGroupAsia cho thấy, đại dịch Covid-19 đang tiếp tục ảnh hưởng đến sự hình thành quyết định ở cá nhân mỗi nước và trên toàn khu vực. Khi tiến trình này vận động, việc các chính phủ và công ty nắm bắt được quy luật mới và sau đó điều chỉnh cách thức để tư duy và thích nghi có ý nghĩa then chốt.
Dù không đánh giá thấp tác động của đại dịch Covid-19 nhưng cũng không nên quá nghiêm trọng hóa tác động của nó. Đại dịch Covid-19 có thể được đánh giá là sự kiện mới nhất trong một loạt những ngã rẽ tác động đến khu vực châu Á trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ này.
Bất chấp những tác động của dịch bệnh đối với khu vực, những thực tế dài hạn cơ bản hơn, như ưu thế đang gia tăng của châu Á trên trường quốc tế, sẽ không bị thay đổi.
Trong vài tuần tới, một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á tiếp tục nới lỏng những hạn chế di chuyển và nối lại việc đi lại, dù các nước khác như Ấn Độ và Indonesia vẫn đang phải vật lộn để giảm bớt số ca nhiễm. Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực phức tạp này, không nên bỏ qua thực tế rằng, châu Á đã trở thành tâm điểm ưu tiên địa chính trị và kinh tế của thế giới.
Vai trò của châu Á với tư cách là động lực thúc đẩy thay đổi năng động nhất của thế giới có nghĩa khu vực này là nơi các nước và các công ty sẽ thành công hay thất bại trong thế kỷ này.
Những nước can dự tích cực nhất sẽ điều chỉnh để thích nghi và thay đổi cùng châu Á khi họ đóng góp vào sự phát triển đó. Những nước tìm cách lảng tránh tiến trình phức tạp này sẽ bị tụt hậu.