Cập nhật Mục tiêu Aichi 2.0 không nên để bình mới rượu cũ

Các cuộc đàm phán thuộc Công ước đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (CBD) đang xây dựng một khung thỏa thuận quốc tế mới (Mục tiêu Aichi 2.0) nhằm ngăn đà mất mát đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái – những thứ giới khoa học cảnh báo là đang gia tăng và có thể gây ra đợt tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6.

Tuy nhiên, toàn bộ quá trình đã bị trì hoãn bởi đại dịch, kể cả cuộc họp cuối cùng để thống nhất thỏa thuận (COP15) dự kiến diễn ra vào tháng 10 tại Côn Minh, Trung Quốc. Các sự kiện trực tuyến đã được tổ chức để cập nhật cho các bên liên quan và chia sẻ một số tài liệu mới, bao gồm cả bản rà soát mục đích và mục tiêu được nêu trong dự thảo ban đầu hồi tháng 1.

Dù vậy, các nhà vận động vẫn lo ngại thỏa thuận Mục tiêu Aichi 2.0 đơn thuần chỉ cập nhật lại các nội dung cũ thay vì cần thay thế các mục tiêu mới.

Khu bảo tồn thiên nhiên Khủng Long Hà ở tỉnh Vân Nam là sinh cảnh còn lại của loài chim công nguy cấp nhưng đang bị đe dọa bởi các dự án phát triển. (Ảnh: Wei Li /Greenpeace)

Theo Michael Degnan, Phó giám đốc Campaign for Nature, mục đích tăng diện tích các khu bảo tồn trên đất liền và trên biển từ 17% lên mức ít nhất 30% vẫn được đưa vào Mục tiêu Aichi 2.0. Tuy nhiên, cố vấn chính sách cao cấp Linda Krueger thuộc Nature Conservancy lo ngại mục tiêu này sẽ là “nỗi thất vọng lớn lao” do tiêu chí “sự gia tăng ròng cả về diện tích, tính liên kết và tính toàn vẹn” đã bị loại bỏ. Đây là chuẩn tắc vô cùng quan trọng để giải quyết việc mất sinh cảnh do sự phát triển – một trong những nguyên nhân lớn nhất gây mất đa dạng sinh học.

“Rõ ràng là cần tới một số mục tiêu cụ thể để xã hội giải quyết vấn đề này vì rất nhiều kiểu hệ sinh thái đang chịu tác động từ quá nhiều dự phát triển… Nếu xử lý không được tình trạng mất đất cho những dự án phát triển, các hệ sinh thái tự nhiên sẽ tiếp tục xuống cấp và bị thu hẹp ngay cả khi mở rộng các khu bảo tồn”, Linda kết luận.

Thỏa thuận mới cũng đưa vào yếu tố sức khỏe con người, nhấn mạnh việc buôn bán và sử dụng các loài động thực vật hoang dã cần đảm bảo hợp pháp, ở mức độ bền vững và an toàn cho cả sức khỏe con người và đa dạng sinh học.

Nhưng điều này không mấy ấn tượng với các nhà vận động. “CBD là quá trình tốt nhất để đối phó trực tiếp với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng hiện nay vốn rất có thể bắt nguồn từ sự thiếu cân bằng trong tự nhiên, và CBD có vai trò khôi phục điều đó,” Lí Thạc, cố vấn cao cấp về chính sách toàn cầu cho Greenpeace Đông Á cho biết. “Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng mọi người đã tìm ra cách đưa ra những cơ hội có được từ Covid 19 vào các cuộc đàm phán ở Côn Minh – điều giúp CBD chứng minh rằng cộng đồng toàn cầu đã tạo ra khác biệt trong ngăn ngừa bệnh dịch từ động vật”.

Krueger giải thích thêm: “Họ đã thêm từ “sức khỏe” vào một vài phần trong thỏa thuận nhưng tôi không chắc có đủ thuyết phục để lái chương trình nghị sự đa dạng sinh học vào đó hay không”.

Tuy nhiên, Degnan cho rằng các phiên đàm phán trong tương lai sẽ giải quyết rõ ràng mối liên hệ giữa sức khỏe con người và khai thác đa dạng sinh học, và các nhà khoa học thuộc IPBES đang thực hiện một báo cáo quan trọng về vấn đề này vào mùa thu tới để cung cấp thông tin cho CBD.

Theo Basile van Havre, đồng chủ tịch Nhóm làm việc kết thúc mở về Khung đa dạng sinh học toàn cầu hậu 2020 thuộc CBD, thỏa thuận cập nhật cũng chứa các cột mốc mới cho năm 2030 nhằm tiến tới tầm nhìn tổng thể vào năm 2050 “sống hài hòa với thiên nhiên” được đo lường suốt quá trình thực thi. Điều này sẽ cho phép CBD hành động nếu không đạt được các mốc quan trọng.

Sẽ cần “kiểm kê toàn cầu” để đánh giá tiến độ các mốc quan trọng và trong các cuộc đàm phán sắp tới, CBD nên cân nhắc thời gian và tần suất thực hiện kiểm kê.

Francis Ogwal, đồng chủ tịch thứ hai của nhóm cũng đồng ý rằng điều quan trọng là phải xem xét mức độ thiếu năng lực và nguồn lực là lý do khiến một quốc gia không đạt được các mốc quan trọng.

Không còn nhiều thời gian

Các câu hỏi về tiến trình đàm phán theo CBD được đặt ra. Chỉ còn lại 2 hội nghị trực tiếp trước COP15, một cho Nhóm làm việc kết thúc mở để các bên tham gia hội nghị thực hiện các cuộc đàm phán chính. Hội nghị còn lại là các cuộc họp mang tính kỹ thuật hơn cho các nhà khoa học và chuyên gia chính sách làm việc trong các cơ quan trực thuộc.

Nhưng hiện tại các cơ quan trực thuộc không đàm phán về những mục đích và mục tiêu cập nhật, mặc dù đạt được đồng thuận tại cuộc họp cuối cùng của Nhóm làm việc kết thúc mở, theo chuyên gia Lí Thạc.

“Chúng ta chỉ còn 2 hội nghị trước COP để chốt lại mọi thứ. Khi các cơ quan trực thuộc triệu tập lại, những người tham dự đã mạo hiểm cả mạng sống [vì đại dịch], nếu không cho họ thảo luận về các mục tiêu và mục đích cập nhật thì họ tụ lại để làm gì?”

Điều này dấy lên câu hỏi về việc liệu có đủ thời gian cần thiết để thống nhất cả các mục tiêu, thực thi và tài chính chỉ trong một hội nghị. Chuyên gia Van Havre cho rằng tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hiện nay đã cho CBD nhiều thời gian hơn, CBD đang cố gắng tăng cường chuẩn bị trong thời gian này.

Degnan lạc quan hơn dù có rất nhiều việc phải làm nhưng có rất nhiều cuộc họp trước và sau các phiên đàm phán chính để thảo luận chi tiết hơn.

Nhìn chung, Lí Thạc thất vọng với các mục tiêu cập nhật: “Tôi có cảm giác mục tiêu mới chỉ là bình mới rượu cũ so với mục tiêu Aichi. Khi đọc, tôi không biết ai phải làm gì, như thế nào và vào lúc nào”.

Krueger đồng tình rằng không có nội dung mới nào có thể khiến thỏa thuận mang tính biến đổi với tự nhiên: “Một số mục tiêu chỉ là viết lại từ những gì đã có ở Aichi. Có thể có những số liệu mới tham vọng hơn nhưng không có gì mang tính biến đổi cả. Mục tiêu Aichi không tệ, chúng ta đã đạt được một số tiến bộ nhưng không đạt được mục tiêu cốt lõi. Làm cách nào để thỏa thuận này hiệu quả hơn? Đổ biết bao nhiêu thời gian để chỉnh sửa các mục tiêu Aichi sẽ không thay đổi được gì”.

Thược Dược (Theo chinadialogue)

Nguồn: