Từ năm 2007 đến tháng 6/2020, đã có 874 văn bản hợp tác thỏa thuận quốc tế cấp huyện, 101 văn bản hợp tác cấp xã được ký kết. Tuy nhiên, khi thảo luận về Luật Thỏa thuận Quốc tế, nhiều ý kiến lo ngại cấp xã không đủ năng lực để ký kết các thỏa thuận quốc tế…
Từ năm 2007 đến tháng 6/2020, đã có 874 văn bản hợp tác thỏa thuận quốc tế cấp huyện, 101 văn bản hợp tác cấp xã được ký kết. Tuy nhiên, khi thảo luận về Luật Thỏa thuận Quốc tế, nhiều ý kiến lo ngại cấp xã không đủ năng lực để ký kết các thỏa thuận quốc tế…
Chiều ngày 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.
Trình bày báo cáo đề xuất tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, về bên ký kết Việt Nam, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp huyện, UBND cấp xã.
Hoặc nếu mở rộng đến cấp huyện, cấp xã thì chỉ nên khoanh lại đối với các huyện ở khu vực biên giới, các xã ở khu vực biên giới và có giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết.
Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện, vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, dự thảo Luật giới hạn một số nội dung về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên quy định gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi quyết định về việc ký thỏa thuận quốc tế của UBND cấp huyện, xã ở khu vực biên giới.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cung cấp dịch vụ công, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì tùy nội dung ký kết, các văn bản thỏa thuận của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do pháp luật dân sự, pháp luật về hợp đồng, pháp luật chuyên ngành quy định về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập đó điều chỉnh.
Việc ký thỏa thuận quốc tế chỉ quy định đến cấp tỉnh của tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp là phù hợp với tổ chức bộ máy của tổ chức.
Phát biểu cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Dự thảo Luật dự kiến tiếp thu theo hướng “Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài không mang tính ràng buộc pháp lý theo pháp luật quốc tế”.
Dự thảo Luật quy định chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế gồm Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị và đến tận các xã biên giới nhưng lại không làm phát sinh trách nhiệm pháp lý, trong khi nội dung của thỏa thuận quốc tế cũng chưa được chỉ rõ.
Ông Uông Chu Lưu cũng đặt vấn đề: “Pháp luật quốc tế ở đây là pháp luật nào?” bởi thực tế, bất kì chủ thể nào kí kết thỏa thuận quốc tế thì đều phát sinh trách nhiệm của Nhà nước. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần giải trình làm rõ các vấn đề này.
Giải trình làm rõ vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết thỏa thuận quốc tế không có tính ràng buộc cả quốc gia, mà chỉ ràng buộc trách nhiệm thực hiện đối với chủ thể trực tiếp ký kết.
Cho ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo số liệu thống kê từ năm 2007 đến tháng 6/2020 có 874 văn bản hợp tác cấp huyện được ký kết, trong đó có 282 văn bản ký với Trung Quốc, 186 văn bản ký với Lào, 109 văn bản ký với Hàn Quốc, 78 văn bản ký với Hoa Kỳ, 28 văn bản ký với Nhật Bản, 27 văn bản ký với Campuchia, 21 văn bản ký với Đức.
Có 101 văn bản hợp tác cấp xã được ký, trong đó 63 văn bản ký với Lào, 10 văn bản ký với Hàn Quốc, 5 văn bản ký với Nhật Bản, 4 văn bản ký với Trung Quốc.
“Như vậy, trước đây dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có rất nhiều thỏa thuận quốc tế đươc kí ở cấp huyện, cấp xã. Đến nay khi trình độ cán bộ cấp huyện, cấp xã đều đã được nâng lên, việc tiếp cận công nghệ thông tin và thông tin đối ngoại cũng tốt hơn thì việc hạn chế chủ thể kí kết thỏa thuận quốc tế chỉ ở các huyện, xã biên giới cần được giải trình làm rõ hơn.” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết thực tế ngoại giao Nhân dân rất đa dạng và phát huy hiệu quả mà không chỉ ở các huyện, xã biên giới. Có những liên minh thành phố, đô thị hay quan hệ kết nghĩa giữa các thành phố, thị xã, thị trấn đã triển khai hỗ trợ rất tốt. Do đó cần có sự đánh giá mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế để thúc đẩy hoạt động ngoại giao Nhân dân.
Ngược lại, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thì cho rằng chỉ nên quy định đến mức cấp huyện là cấp cuối cùng được ký thỏa thuận quốc tế, không nên mở rộng đến cấp xã, bởi huyện là một cấp có cơ quan tham mưu, giúp việc và trình độ cán bộ, sự am hiểu về mặt luật pháp và tất cả các lĩnh vực đảm bảo để có thể ký thỏa thuận quốc tế.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung đề xuất giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Đồng thời lưu ý, về khái niệm thỏa thuận quốc tế có thêm giải thích về “không mang tính ràng buộc pháp lý theo pháp luật quốc tế”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị liệt kê rõ các chủ thể kí kết Việt Nam, trong đó các cơ quan của Quốc hội có Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời lưu ý mở rộng bên ký kết Việt Nam là Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ áp dụng đối với Ủy ban nhân dân cấp xã khu vực biên giới.