Bộ TN&MT đã tham mưu Chính phủ quy định cụ thể về thủ tục môi trường đối với hồ sơ kế hoạch bảo vệ môi trường tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
Về vấn đề này, cử tri tỉnh Lào Cai có ý kiến đề nghị bổ sung hướng dẫn về thủ tục môi trường đối với hồ sơ kế hoạch bảo vệ môi trường. Đồng thời, giảm bớt thủ tục hành chính khi khai thác cát, sỏi phục vụ làm vật liệu xây dựng với quy mô nhỏ tại các xã miền núi của các huyện trong tỉnh.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với hồ sơ kế hoạch bảo vệ môi trường, Bộ đã tham mưu Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, khoản 11, khoản 12 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP quy định: Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường do chủ dự án gửi đến, cơ quan thẩm định có trách nhiệm trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định ban hành quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Mẫu số 06 Phụ lục VI Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Trường hợp chưa đủ điều kiện phê duyệt hoặc không phê duyệt, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan thẩm định phải có văn bản nêu rõ lý do gửi chủ dự án.
Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường có hiệu lực pháp lý bắt buộc thực hiện, là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án.
Về giảm bớt thủ tục hành chính khi khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng quy mô nhỏ: Trong thực tế, đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phức tạp so với khoáng sản khác nên Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề xuất Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số văn bản nhằm đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục khi cấp phép thăm dò loại khoáng sản này. Cụ thể:
Đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BTNMT ngày 13/01/2016 quy định kỹ thuật về công tác thăm dò cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu xây dựng san lấp. Theo đó, đơn giản hóa yêu cầu về mạng lưới công trình thăm dò, phương pháp thăm dò phù hợp với loại khoáng sản này nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.
Đã bỏ yêu cầu xác nhận vốn chủ sở hữu đối với hộ kinh doanh khi thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận thu khoáng sản tại khoản 1 Điều 26, khoản 1 Điều 36 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Quy định về thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trong Luật Khoáng sản cũng như Nghị định số 158/NĐ-CP nêu trên là thời gian tối đa mà cơ quan có thẩm quyền được phép giải quyết thủ tục hành chính.
Trong thực tế, khi giải quyết hồ sơ, nếu đủ điều kiện theo quy định thì không nhất thiết phải giải quyết đủ trong thời gian nêu trên và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể chủ động quy định thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ngắn hơn quy định của Luật.