Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên Môi trường (ISPONRE) thuộc Bộ TN&MT vừa công bố ấn phẩm đầu tiên trong chuỗi ấn phẩm chuyên sâu về ô nhiễm không khí, nhằm cung cấp thông tin và góc nhìn đa dạng cho các cấp quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và người dân.
Do ngày càng nhiều người dân có nhu cầu tiếp cận những thông tin liên quan đến mức độ ô nhiễm không khí, tác động sức khỏe và những biện pháp cải thiện chất lượng không khí đang được thực hiện, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ công bố chuỗi ấn phẩm về chất lượng không khí tại Việt Nam, bao gồm 4 chủ đề chuyên sâu: (i) Tổng quan quản lý chất lượng không khí tại Việt Nam; (ii) Ô nhiễm không khí tại các đô thị Việt Nam; (iii) Tác động của ô nhiễm không khí; và (iv) Giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí tại Việt Nam.
Các ấn phẩm cung cấp góc nhìn và thông tin đa dạng cho các cấp quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và người dân.
Ấn phẩm đầu tiên trong chuỗi mang tên “Chính sách và thực tiễn hoạt động tài nguyên và môi trường”, tập trung vào chủ đề Quản lý chất lượng không khí tại Việt Nam. Phiên bản đầy đủ của ấn phẩm bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh hiện đang sẵn có trên trang web của ISPONRE hoặc có thể tải trực tiếp (link). Phiên bản rút gọn bằng tiếng Việt đã được in và phổ biến trực tiếp đến các tổ chức và cơ quan có nhiệm vụ cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam.
Theo ấn phẩm này, “nếu việc tuân thủ luật được thực hiện nghiêm túc thì môi trường của Việt Nam chắc chắc sẽ đỡ ô nhiễm hơn hiện tại”. Bên cạnh đó, ấn phẩm nhấn mạnh, sự tham gia tích cực hơn từ khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm cộng đồng, kết hợp với sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế và các viện nghiên cứu, khiến cho vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng để cải thiện và các phương pháp tiếp cận mới có thể được áp dụng một cách phù hợp.
Mặc dù vậy, ấn phẩm thừa nhận rằng vấn đề quản lý chất lượng không khí ở Việt Nam đang gặp phải một số thách thức liên quan đến khung pháp lý cần được hoàn thiện trong nay mai, chẳng hạn như cải thiện hệ thống quy chuẩn môi trường, áp dụng công cụ giấy phép môi trường, xây dựng văn bản pháp luật đặc thù (luật hoặc dưới luật) cho quản lý chất lượng không khí…
Ấn phẩm cũng khẳng định, Việt Nam phải nỗ lực hơn để phát triển cơ sở dữ liệu về ô nhiễm không khí, bởi “dữ liệu không đồng bộ và thiếu thốn sẽ gây cản trở cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra được những quyết sách đúng đắn”.