Khám phá bất ngờ về ngôi mộ tập thể của 323 con tuần lộc

Tháng 8/2016, 323 con tuần lộc đã bị sét đánh chết cùng lúc ở cao nguyên Hardangervidda hẻo lánh của Na Uy, và thay vì đưa những cái xác đi, các nhà khoa học để chúng tự phân hủy.

Khi để thiên nhiên tự làm công việc của mình, các nhà khoa học có cơ hội để nghiên cứu xem điều gì xảy ra với ngôi mộ khổng lồ này, và ảnh hưởng của nó đến hệ sinh thái xung quanh của cao nguyên Hardangervidda.

Trong vòng 4 năm qua, những cái xác trương phồng, đầy ruồi đẻ trứng đã trở thành những bộ xương khô. Tất cả những gì diễn ra ở khu vực đều được các nhà khoa học ghi lại và nghiên cứu, tổng hợp và công bố những phát hiện trong tạp chí khoa học Royal Society hồi tháng 6 vừa qua.

323 con tuần lộc bị sét đánh chết cùng lúc trên cao nguyên Hardangervidda ở Na Uy hồi năm 2016. (Ảnh: Guardian)

“Vùng đất sợ hãi”

Nhóm nghiên cứu gọi khu vực nơi 323 con tuần lộc bị sét đánh chết đã trở thành “vùng đất của nỗi sợ hãi”, với các động vật săn mồi ở đỉnh của chuỗi thức ăn như chó sói hay đại bàng và cáo Bắc Cực xuất hiện.

“Cảnh quan của vùng đất sợ hãi đã cung cấp cái nhìn rõ hơn về cách các loại động vật đưa ra lựa chọn, khi phải cân nhắc giữa sự an toàn và nguồn thức ăn, mối quan hệ giữa kẻ đi săn và con mồi, cũng như các quần thể được cấu trúc như thế nào”, nghiên cứu nhận định.

Do luật lệ tại hầu hết nước châu Âu đều yêu cầu giới chức phải thu dọn các xác chết động vật, con người gần như không có cơ hội nhìn thấy sự phân huỷ ở quy mô lớn như những gì diễn ra trên cao nguyên Hardangervidda.

“Khi chúng tôi đến đây lần đầu, ai cũng có một chút cảm giác nặng nề. Thật buồn khi nhìn thấy nhiều sự sống biến mất nhanh như vậy”, ông Shane Frank, nhà nghiên cứu của Đại học South-Eastern của Na Uy, chia sẻ.

Nhóm của ông bắt đầu lắp đặt bẫy ảnh, ghi lại và quan sát hoạt động của những loại động vật hoang dã đang tràn về cao nguyên. Vùng đất này cao 1.220 m so với mực nước biển, và cách thị trấn gần nhất Liseth 3 giờ đi bộ.

“Theo thời gian, khi xác những con tuần lộc phân huỷ, chúng tôi bắt đầu không còn cảm thấy sự chết chóc mà thay vào đó học được rất nhiều thứ, theo một cách có ý nghĩa, cảm giác như đó là sự bù đắp cho những cái chết kia. Thật ngớ ngẩn khi phủ nhận cái chết là một phần của cuộc sống”, ông Frank nói thêm.

Các loài chim ăn xác chết như quạ và đại bàng đã đổ xô tới khu vực vào năm 2017, nhưng chúng gần như không xuất hiện vào năm 2018. Trong khi đó điều ngược lại diễn ra với các loài gặm nhấm như chuột hay con lem – không thấy chúng vào năm 2017 nhưng lại có mặt ở mọi nơi vào năm 2018.

Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thiết rằng có thể những con chuột sợ hãi trước sự xuất hiện của những con chim săn mồi nên không dám ra mặt. “Kiểu như là, đây là một bữa tiệc buffet, có rất nhiều người đói đến ăn, nhưng có vẻ họ không thích nhau lắm”, ông Frank giải thích.

Nhà nghiên cứu Shane Frank tại khu vực vào lúc này, giờ chỉ còn những bộ xương khô. (Ảnh: Guardian)

Một phát hiện khác là các loài chim không ăn thịt và chỉ ăn côn trùng cũng phát triển mạnh ở khu vực, do nguồn thức ăn dồi dào đến từ các loài ròi sinh sôi trên xác chết phân huỷ của các con tuần lộc.

Những cái xác cũng có tác động đến hệ thực vật ở khu vực. Rất nhiều những hạt quạ – loại cây phổ biến ở vùng lãnh nguyên núi cao – được những con chim ăn xác chết thả xung quanh 323 xác chết. Mẫu phân quạ thu được từ hiện trường cũng chứa hạt quạ, cho thấy loài cây này sẽ phát triển mạnh ở khu vực trong tương lai.

Ngày càng có nhiều xác chết động vật hơn

Ai cũng đồng ý với quan điểm rằng để xác cây chết trong rừng là có lợi cho hệ sinh thái, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về việc để xác chết động vật tự phân huỷ, do lo ngại về bệnh dịch có thể lây lan. Trên thực tế có khá ít nghiên cứu về tác động hoặc lợi ích của những xác chết động vật phân huỷ tới hệ sinh thái.

“Chúng ta đã quá tập trung vào động vật khi chúng còn sống, nghiên cứu xem chúng làm gì, đi đâu. Tôi không biết là từ quan điểm phương Tây thì có điều gì nhạy cảm với cái chết không, nhưng chúng ta vẫn còn nghiên cứu quá ít về điều đó. Giờ đây mọi người bắt đầu cởi mở hơn với việc này, ít nhất là trong nghiên cứu về động vật hoang dã. Mọi thứ đều liên kết với nhau, theo một vòng tuần hoàn”, ông Frank nói.

Khi cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, với tần suất các sự kiện thời tiết cực đoan gia tăng, giới khoa học cho rằng những vụ tử vong hàng loạt như cái chết của đàn tuần lộc ở Hardangervidda có lẽ sẽ phổ biến hơn.

Những vụ cháy rừng ở Australia vào năm ngoái đã cướp đi mạng sống của khoảng 800 triệu con vật, bao gồm các loài lưỡng cư và côn trùng. Việc này được dự báo là sẽ gây ra những thay đổi lâu dài trong hệ sinh thái.

Thời tiết nắng nóng bất thường ở Kazakhstan năm 2015 cũng được cho là nguyên nhân khiến dịch bệnh lan rộng làm 200.000 con linh dương saiga chết chỉ trong vài tuần. Hơn 1 triệu con chim biển cũng được cho là đã chết trong giai đoạn 2015-2016 vì một vùng nhiệt độ cao ở Bắc Mỹ.

Bẫy ảnh ghi lại sự xuất hiện của đại bàng – loài chim ăn xác chết – ở khu vực vào năm 2017. (Ảnh: SNO)

Cách đây 2 thập kỷ, hiểu biết của chúng ta về tầm quan trọng của sự phân huỷ xác động vật trong tự nhiên vẫn còn hạn chế. Giờ đây, các chuyên gia từ nhiều ngành khác nhau đang tìm cơ hội để nghiên cứu về ảnh hưởng của cái chết với cảnh quan xung quanh.

Nhà động vật học Marcos Moleon từ Đại học Granada ở Tây Ban Nha cho rằng chúng ta đang trong thời kỳ hoàng kim của việc nghiên cứu xác động vật chết, với sự công nhận ngày càng tăng về vai trò của xác chết với môi trường trên cạn và dưới nước.