Những năm gần đây đều ghi nhận các ca mắc bệnh bạch hầu ở trẻ lớn và người lớn, hầu hết người mắc bệnh là trẻ hơn 10 tuổi và người lớn. Đa phần ca mắc là những trường hợp không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc xin phòng bệnh.
Theo Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, kháng thể miễn dịch bạch hầu của mẹ truyền sang con có tác dụng miễn dịch bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh bạch hầu nếu chưa có miễn dịch đặc hiệu. Bệnh nhân mắc bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại vì cơ thể được miễn dịch lâu dài.
Theo các chuyên gia y tế dự phòng, vi khuẩn bạch hầu có khả năng đề kháng cao và tồn tại không chỉ ở người mắc bệnh mà cả người lành mang vi khuẩn nên bệnh bạch hầu có thể xảy ra ở nơi chưa từng xuất hiện bệnh trước đó.
Khi chưa có kháng thể bảo vệ, mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh bạch hầu khi tiếp xúc với nguồn lây. Do đó, ở những vùng tỷ lệ tiêm chủng thấp, những trẻ nào tiêm chủng không đủ mũi, đúng lịch đều có nguy cơ mắc bệnh.
“Miễn dịch đối với bệnh bạch hầu giảm dần theo thời gian nên đối tượng người lớn và trẻ lớn mặc dù có tiền sử tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu trước đó khoảng 5-10 năm mà không được tiêm nhắc lại thì vẫn có khả năng mắc bệnh”- TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết.
Để khống chế dịch bạch hầu một cách triệt để, trong đó có đối tượng người lớn càng ngày miễn dịch càng giảm xuống, lịch tiêm chủng cần có những điều chỉnh cho phù hợp.
TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh, việc tiêm nhắc lại cho trẻ lớn (giai đoạn 7 tuổi) cũng như tiêm vắc xin cho người lớn là rất quan trọng. Do đó, cần tuyên truyền cho người dân hiểu việc đi tiêm vaccine là những biện pháp bảo đảm đầy đủ để khống chế được tốt bệnh bạch hầu trong thời gian tới.
Đối với các địa phương đang có dịch bạch hầu, để phòng, chống dịch bùng phát, địa phương cần thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh như duy trì hệ thống giám sát phát hiện sớm ca bệnh, lập danh sách các ca bệnh tiếp xúc, tiến hành cách ly, khoanh vùng, điều trị và dập dịch.
Việc tuyên truyền, vận động người dân hiểu, ủng hộ và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch là hết sức cần thiết. Đồng thời, cần tổ chức tiêm chủng vắc xin chống dịch cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Năm 2020, Việt Nam mở rộng tiêm bổ sung vaccine uốn ván – bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh/thành phố nguy cơ cao và khuyến cáo người lớn cần tiêm nhắc lại vaccine Td.
Đây là một trong những biện pháp quan trọng để tăng cường tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bạch hầu tại những điểm nóng khi bạch hầu đang ghi nhận gia tăng ở người lớn. |