Việc không hoàn hành được các dự án nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đã ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện trong giai đoạn tới. Theo đó, để đảm bảo đủ điện giai đoạn tới, trong Quy hoạch điện VIII sẽ có điện hạt nhân.
Tại Hội thảo lần 1 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết Quy hoạch điện VII đã được điều chỉnh khá nhiều lần, trong đó có việc dừng lại các dự án điện hạt nhân, một số trung tâm nhiệt điện than lớn ở khu vực Tây Nam Bộ không triển khai được và nhiều dự án điện đầu tư theo hình thức BOT chậm tiến độ…
“Việc không hoàn thành được các dự án nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện trong giai đoạn tới, đặc biệt là việc phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2025”, Thứ trưởng Vượng lưu ý.
Do đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu, trong Quy hoạch điện VIII lần này, nguồn phát điện sẽ theo hướng đa dạng hơn để đảm bảo an ninh cung cấp điện, cơ cấu và phân bổ hợp lý hơn trong từng khu vực, vùng/miền và trên toàn quốc.
Bà Lê Thị Thu Hà (Phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng) cho biết sẽ có 6 kịch bản phát triển nguồn điện chính trong Quy hoạch điện VIII, trong đó các kịch bản 1, 2, 3 sẽ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo ở mức cao hơn.
Kịch bản 4 bổ sung thêm mục tiêu cắt giảm khí nhà kính tới 25% so với thông thường. Kịch bản 5 là không xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030. Đáng chú ý, kịch bản 6 có tính đến nguồn điện hạt nhân sau năm 2035 với 1.000MW vào năm 2040 và 5.000MW vào năm 2045.
Theo bà Hà, dự thảo quy hoạch đề xuất khu vực miền Nam và miền Trung chủ yếu phát triển năng lượng tái tạo, các nguồn khí LNG và than nhập khẩu chủ yếu phát triển ở miền Bắc. Sau năm 2025, các nguồn điện linh hoạt như nguồn tích năng, LNG sẽ rất cần thiết để đảm bảo nhu cầu, dự phòng cho điện gió và mặt trời. Do đó, cần có cơ chế giá công suất dự phòng cho các nguồn điện này.
So với những quy hoạch điện trước, TS Nguyễn Mạnh Cường – Phó trưởng phòng Phát triển hệ thống điện (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương) cho biết Quy hoạch điện VIII sẽ có những điểm khác cơ bản. Cụ thể, các Quy hoạch điện VI, Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh vẫn chủ yếu dựa vào nguồn điện truyền thống như: thủy điện, nhiệt điện, các tua bin khí. Nhưng Quy hoạch điện VIII sẽ là quy hoạch điện của thời kỳ năng lượng tái tạo, nên cách làm sẽ hoàn toàn khác.
“Điện mặt trời và điện gió phần nhiều do thời tiết quyết định, trong khi đó lại không được gián đoạn cung ứng điện cho người dân nên cách thiết kế trong Quy hoạch điện VIII cũng sẽ phải khác đi. Thông thường một năm có khoảng 1.780 giờ chiếu sáng nên chúng tôi đang xây dựng để có cơ chế sử dụng công nghệ làm sao đạt hiệu quả hơn”, TS Cường lý giải.
Nói đến nguồn điện hạt nhân trong Quy hoạch điện VIII, TS Nguyễn Mạnh Cường đánh giá đây là nguồn điện có tính ổn định, công suất lớn, giá rẻ, nếu có thể làm tốt vấn đề an toàn thì cũng không đáng lo ngại. “Chúng ta cũng luôn để mở khả năng sử dụng điện hạt nhân, chứ không hoàn toàn đóng lại. Về mặt chủ trương, Quy hoạch điện VIII sẽ đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, bởi thứ nhất là đảm bảo môi trường, thứ hai là suất đầu tư có xu hướng ngày càng thấp hơn”, TS Cường nói.
Xác định tầm quan trọng của Quy hoạch điện VIII đối với tương lai ngành điện lực, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định việc xây dựng và phát triển phải được xây dựng trên 3 quan điểm lớn. Thứ nhất là không để thiếu điện, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội. Thứ hai là phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo. Thứ ba là hạn chế phát triển nhiệt điện than gắn với khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện.
Đặc biệt, Thứ trưởng Vượng cũng lưu ý trong Quy hoạch điện VIII cần tập trung phát triển mạnh mẽ có hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) mà Việt Nam đang có thế mạnh, cũng như đầu tư và phát triển các dạng năng lượng truyền thống khác có ít ảnh hưởng, tác động tới môi trường, hạn chế phát triển các nhà máy nhiệt điện than vốn được đưa rất nhiều vào Quy hoạch điện VII…
Quy hoạch điện VIII được thiết kế gồm 18 chương, phân bố theo 3 phần. Các nội dung chính tập trung vào dự báo nhu cầu điện; nguồn năng lượng sơ cấp trong đó có năng lượng tái tạo cho phát điện; chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện; cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; cơ chế và giải pháp thực hiện quy hoạch…
Quy hoạch điện VIII đã triển khai được hơn 1 năm. Đã có 9 chương đầu của quy hoạch được hoàn thành. Sau hội thảo này, dự kiến hội thảo lần 2 về Quy hoạch điện VIII sẽ được thực hiện vào tháng 9.2020 |