Đợt mưa lũ bất thường đang diễn ra ở Trung Quốc từ đầu tháng 6 đã khiến hơn 120 người thiệt mạng hoặc mất tích, gây thiệt hại kinh tế ước tính 6 tỷ USD.
Vụ lở đất nghiêm trọng xảy ra ở TP Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc vào sáng 8/7 đã chôn vùi ít nhất 7 ngôi nhà. Báo cáo sơ bộ cho biết, đã có ít nhất 9 người thuộc 5 hộ gia đình tại thôn Viên Sơn bị đất đá vùi lấp.
Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng xác định là do tình trạng mưa lũ kéo dài nhiều tuần qua tại địa phương, khiến nền đất trên sườn núi bị lún và gây ra sạt lở. Nhiều tuyến đường tại TP Hoàng Cương cũng trong tình trạng lụt lội, cản trở việc đi lại của hàng trăm thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học.
Ngay khi nhận được tin báo, lãnh đạo TP Hoàng Cương đã điều động các ngành chức năng tới hiện trường tìm kiếm người bị nạn, đồng thời đưa hơn 40 người dân khác cũng sống tại thôn Viên Sơn tới nơi an toàn.
Tình hình mưa lũ kéo dài hơn một tháng qua tại nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc đã khiến hàng chục triệu người chịu ảnh hưởng.
Tính hình mưa lũ kéo dài hơn 1 tháng qua đã ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu dân ở 26 tỉnh thành ở miền nam của Trung Quốc, hơn 10.000 ngôi nhà bị phá hủy, hàng ngàn hecta hoa màu bị úng ngập, và gần 130 người thiệt mạng và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế gây ra bởi lụt bão tại Trung Quốc hiện đã vượt hơn 6 tỷ USD.
Từ cuối tháng 6 vừa qua, đập Tam Hiệp ở thượng nguồn sông Dương Tử đã phải mở cửa xả nhằm giảm nhẹ tác động của lũ lụt. Theo cảnh báo, mưa lớn có thể còn tiếp diễn trên diện rộng trong vài ngày tới.
Trung Quốc hôm 7/7 đã nâng cảnh báo mưa lũ lên mức cao nhất tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc ở hạ nguồn đập Tam Hiệp trong bối cảnh mưa lớn dự báo kéo dài đến giữa tháng này.
Vũ Hán nằm trên một nhánh của sông Trường Giang, ở hạ nguồn đập Tam Hiệp – đập thủy điện lớn nhất của Trung Quốc. Mực nước sông Trường Giang đoạn qua TP Vũ Hán tiếp tục dâng cao.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã kéo theo tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc và là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Mực nước tại trạm thủy văn Hán Khẩu tại đây đã lên mức báo động 27,3m, trong khi lưu lượng nước đổ về hồ chứa đập Tam Hiệp lên tới 50.000 – 53.000 m3/giây.
Theo Bộ Tài nguyên nước, đến đêm ngày 7/7, mực nước ở tất cả các khu vực thuộc nhánh sông chính của sông Dương Tử, nằm ở hạ lưu huyện Giam Lợi, tỉnh Hồ Bắc đã ở mức báo động nhất – cao hơn 1,28 m so với cảnh báo.
Mực nước ở 42 con sông, chủ yếu ở các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây, An Huy và Giang Tô cũng đã chạm ngưỡng cảnh báo. 5 con sông trong số đó có mực nước vượt quá độ cao của đê.
Trung tâm Khí tượng Quốc gia hôm 8/7 đã nâng mức cảnh báo mưa lũ ở các tỉnh Chiết Giang, Giang Tây, Phúc Kiến, Hồ Nam và Quý Châu. Theo trung tâm, lượng mưa ở khu vực phía bắc của Giang Tây sẽ có lượng mưa kỷ lục, ở mức 25 – 30cm. Một số khu vực sẽ bị nhấn chìm bởi những cơn mưa dữ dội dù xảy ra trong thời gian ngắn.
Với lượng mưa dự kiến như vậy, mực nước trên nhánh sông chính của sông Dương Tử và 4 hồ lớn ở dọc khu vực trung và hạ lưu sẽ tiếp tục dâng cao. “Áp lực kiểm soát lũ sẽ ngày càng tăng. Tình hình hiện nay thật tồi tệ” – Bộ Quản lý Khẩn cấp cho biết trong một thông cáo báo chí.
Ngày 7/7, Bộ đã cử các đội đến các địa phương ở 11 tỉnh dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi những trận mưa lũ để hướng dẫn việc kiểm soát lũ.
Lượng mưa lớn đã khiến mực nước hồ chứa Tân Cương, hồ chứa lớn nhất ở Chiết Giang, cao hơn 1,88 mét so với mực nước an toàn. Chính quyền địa phương đã buộc phải sơ tán 30.000 người dân để xả nước.
Phát biểu trong buổi họp báo hôm 8/7, ông Chen Tao – trưởng phòng dự báo của Trung tâm Khí tượng Quốc gia, cho biết lượng mưa tổng thể ở lưu vực đã lên tới 9,86 cm, cao gấp 2,6 lần so với mức trung bình hàng năm.
Nguyễn Phương (Theo Xinhhua)