Các quốc gia đã thảo luận những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, cắt giảm khí thải và giúp các hệ thống năng lượng “chống chịu tốt” với biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 9/7 kêu gọi các nước ngừng tài trợ cho các dự án than đá và cam kết không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới để chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Tổng thư ký Guterres đưa ra phát biểu trên tại một hội nghị chuyển đổi năng lượng sạch trực tuyến do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tổ chức, với sự tham dự của các đại diện đến từ 40 quốc gia – chiếm 80% tổng mức tiêu thụ năng lượng và khí thải nhà kính.
Các nước tham dự đã thảo luận những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, cắt giảm khí thải và giúp các hệ thống năng lượng “chống chịu tốt” với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh các quốc gia đang tìm cách hồi sinh nền kinh tế sau sự sụt giảm do dịch COVID-19, các chính phủ và nhà đầu tư kêu gọi những gói tài chính hỗ trợ phục hồi nên tập trung một phần vào kích thích các mục tiêu “xanh”.
Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc đã cam kết các chương trình phục hồi thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, ông Guterres cho biết một số quốc gia đã sử dụng các chương trình này để đồng thời hỗ trợ cho các công ty nhiên liệu hóa thạch vốn gặp khó khăn về tài chính, trong khi một số quốc gia khác đã chọn khởi động các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà sản xuất than lớn nhất, cho biết nước này cam kết phát triển ngành năng lượng sạch và ít phát thải khí carbon. Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, ông Trương Kiến Hoa khẳng định nước này đang nỗ lực phát triển nguồn năng lượng từ nước, gió và Mặt Trời.
Các hoạt động sử dụng than đá đã giảm ở một số khu vực như châu Âu và Mỹ, trong khi nhiều nhà đầu tư đã rút vốn khỏi các dự án liên quan đến than đá.
Tuy nhiên, ở một số khu vực khác trên thế giới, nhu cầu sử dụng than tăng lên do nhiều nền kinh tế mới nổi cho rằng sử dụng than là việc cần thiết cho tăng trưởng.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy Trung Quốc có nhiều dự án điện nhiệt than đang được phát triển, nhiều hơn so với tổng công suất điện than của Mỹ.
Các chính phủ đã nhất trí hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức an toàn hơn để tránh những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.