Thiên tai 6 tháng đầu năm làm 47 người thiệt mạng, thiệt hại gần 3.400 tỷ đồng. Như một vòng nhân quả khép kín, những cơn giận dữ của thiên nhiên là cách đáp trả thái độ ứng xử của con người với môi trường sinh thái.
Nghìn tỷ bị cuốn trôi
Các hình thái thiên tai chính là phép thử con người. Việt Nam, một đất nước ở vào vị trí địa lý đặc biệt, thiên nhiên luôn đặt chúng ta vào thử thách khắc nghiệt. Những con số được Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm hôm 6/7, cho chúng ta thấy rõ được thấy rõ được những bất an.
Từ đầu năm 2020 đến nay, nước ta phải đối mặt 16 loại hình thiên tai, 186 trận giông, lốc, mưa lớn, trên 43 tỉnh, thành phố, trong đó, tình hình mưa đá và giông lốc đặc biệt bất thường, kéo dài và trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 1 cơn bão trên biển Đông; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng; 31 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc bắt đầu có mưa lũ cục bộ; sự cố đập Bara Đô Lương Nghệ An; sự cố một số tuyến kè, đê thuộc hệ thống đê từ cấp III trở lên… Thiên tai đã làm 47 người chết, 130 người bị thương, ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.383 tỷ đồng.
Phía trước còn bộn bề những mỗi lo khi Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Bộ TN&MT) đã đưa ra nhận định trong năm 2020 xuất hiện khoảng 11 – 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; trong đó, có khoảng 5 – 6 cơn đổ bộ vào đất liền, bão muộn, cường độ lớn, dịch chuyển vào phía Nam là khu vực có cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm phòng chống bão hạn chế; mưa lũ đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, Nhật Bản, Myanmar, đang có nguy cơ gây mưa lũ lớn tại nước ta; nhiều công trình phòng chống thiên tai như: Đê điều, hồ đập xuống cấp,…
Bên cạnh đó, do Nhà nước tập trung nguồn lực để ứng phó với dịch Covid-19 sẽ là những khó khăn, thách thức rất lớn trong phòng chống thiên tai, đặc biệt, đối với tình huống thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Những cánh rừng “vẫn ngã”
Thiên tai và con người, thời tiết cực đoan và những thiệt hại đi kèm là những thái cực có sự liên kết nhân quả với nhau. Làm sao để cải thiện tình hình?
Nếu đem băn khoăn này hỏi bất kỳ ai, hẳn câu trả lời sẽ là phải chặn đứng việc tàn phá rừng, hủy hoại môi sinh, ngăn khai thác khoáng sản bừa bãi và hạn chế xây dựng thêm thủy điện… Giải pháp luôn có và ai cũng ý thức được. Thế nhưng, từ những giải pháp đến hành động thực tế dường như vẫn còn những khoảng cách với muôn trùng khó khăn.
Dễ thấy nhất là nạn phá rừng. Vô số vụ được điều tra, truy tố, xét xử. Đối tượng phá rừng không chỉ là lâm tặc mà có nhiều vụ có sự tiếp tay của kiểm lâm và một số đối tượng khác! Với những tổ chức phá rừng chuyên nghiệp như thế, chỉ thời gian ngắn họ có thể xóa sổ cả một cánh rừng. Rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn, đâu có rừng là ở đó có tội phạm hủy hoại rừng. Khi mất rừng, đồi núi trơ trụi thì hạn hán về mùa khô, lũ lụt về mùa mưa là tất yếu, ai cũng có thể thấy trước.
Số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước đã phát hiện 3.252 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 360 vụ, giảm 10% so với 4 tháng năm 2019; diện tích rừng bị thiệt hại 252 ha. Tổng số vụ vi phạm đã được xử lý trong 4 tháng là 2.385 vụ, trong đó, xử phạt hành chính 2.306 vụ, xử lý hình sự 79 vụ; tịch thu 4.079 m3 gỗ; thu nộp ngân sách 25,3 tỷ đồng.
Mất rừng đã rõ! Ngoài sự nỗ lực chung của các lực lượng hữu trách, ở đâu đó cũng phải kể đến sự bất lực đến khó tin của lực lượng giữ rừng. Cả một khối tài sản công khổng lồ về cả giá trị kinh tế lẫn sinh thái, mỗi khi kiểm kê lại giảm sút thêm nhiều phần mà lạ là ít ai chịu trách nhiệm?!
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã đưa ra nhận định mùa mưa bão năm nay sẽ đến muộn, mặc dù, đã có một cơn bão số 1 đã xuất hiện. Dự báo, trong giai đoạn cuối tháng 7, có khả năng xuất hiện vùng nhiễu trên biển Đông nên bà con ngư dân hết sức lưu ý những vùng nhiễu đó có khả thể gây ra mưa dông và gió giật trên biển. Tuy vậy, từ tháng 8 trở đi, tần suất xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão có xu hướng tăng lên. Bão sẽ dồn dập vào cuối năm, nhất là từ tháng 9,10,11 và nửa đầu tháng 12, khu vực đổ bộ nhận định là Trung Bộ trở xuống. |
Phía sau cơn lũ dữ
Mỗi năm, nước ta xảy ra khoảng 10 đến 15 trận lũ quét ở vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Do thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá và đương nhiên cả con người và tài sản nơi nó đi qua. Vậy là thiên tai cộng hưởng với nhân họa tạo ra lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu không thay đổi được tình trạng này thì lũ lụt, sạt lở vẫn tiếp tục, không thể có kết cục tốt đẹp hơn.
Khi ta trách ông trời, trách tự nhiên một, hãy trách con người mười. Bởi chính chúng ta đã lấy đi màu xanh của rừng, làm cho hàng ngàn cánh rừng phải “rỉ máu”, cướp đi không gian sinh tồn của bao nhiêu muông thú. Để rồi hôm nay, những cơn lũ và sạt lở đất… không còn là lời cảnh báo của “mẹ thiên nhiên” nữa. Thiên tai hòa vào nhân tai “đánh úp” con người một cách thường trực hơn, chứ không đơn thuần theo mùa nữa.
Phải chung sống với lũ lụt – đấy là ý cam chịu, nhất thời. Về lâu về dài, mỗi người dân cần phải biết tại sao lũ hung dữ, để rồi từ đó, có cách giữ rừng, giữ môi trường như giữ tính mạng của mình.
Không thể phát triển bằng mọi giá, đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển, vì đó là phát triển không bền vững. Nhận thức này phải được quán triệt từ khâu hoạch định chính sách, pháp luật đến các biện pháp bảo đảm thực thi trong thực tế. Phải tạo ra một ý thức xã hội là bảo vệ môi sinh, gìn giữ môi trường sống, gìn giữ và phục hồi màu xanh của rừng, sự trong lành của các dòng sông, của bầu khí quyển… Có như thế thiên nhiên mới giảm bớt những cơn giận dữ, mang lại sự bình yên cho con người.
“Nếu vẫn tiếp tục áp đặt những tư duy hạn hẹp nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, người chúng ta sẽ còn phải trả giá. Bởi, thiên nhiên có những lý lẽ riêng, hoạt động theo những quy luật vỗn dĩ đã có từ thuở hồng hoang. Thay đổi tự nhiên quá ngưỡng chịu đựng, bỏ qua những quy luật ấy con người ắt hẳn sẽ phải gánh chịu sự đáp trả. |