Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 9/7 đã công bố hướng dẫn mới về con đường lây truyền của virus corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trong đó thừa nhận một số báo cáo về việc truyền virus này trong không khí.
Trong hướng dẫn về truyền bệnh mới nhất của WHO, tổ chức này thừa nhận rằng một số báo cáo dịch bệnh liên quan đến không gian đông đúc trong nhà đã gợi ý khả năng truyền qua khí dung, như trong khi tập luyện hợp xướng trong nhà hàng hoặc trong các lớp thể dục.
Tuy nhiên, WHO cho biết rất cần có nhiều nghiên cứu hơn để điều tra những trường hợp như vậy và đánh giá tầm quan trọng của chúng đối với việc lây truyền COVID-19.
Báo cáo theo một bức thư ngỏ của các nhà khoa học chuyên về sự lây lan của bệnh trong không khí đã thúc giục WHO cập nhật hướng dẫn về con đường lây truyền của bệnh COVID-19 qua đường hô hấp, bao gồm truyền khí dung.
Dựa trên đánh giá bằng chứng của mình, WHO cho biết virus corona gây bệnh COVID-19 lây lan qua tiếp xúc với bề mặt bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc gần với những người nhiễm bệnh lây truyền virus qua nước bọt, dịch tiết hô hấp hoặc giọt bắn khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi, nói hoặc hát.
Tuy nhiên, các hướng dẫn mới này yêu cầu mọi người nên tránh xa đám đông và đảm bảo thông gió tốt trong các tòa nhà ngoài việc giãn cách xã hội và khuyến khích đeo khẩu trang khi không thể đảm bảo khoảng cách xã hội.
“Đây là một bước đi đúng hướng, mặc dù nhỏ. Rõ ràng là tính nghiêm trọng của đại dịch là do sự lan rộng rất nhanh của virus, và lời giải thích tốt nhất cho tính lan rộng đó là truyền khí dung”, ông Jose Jimenez, nhà hóa học tại Đại học Colorado, Mỹ, người đã ký bức thư cho biết. Bức thư này được công bố trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng vào ngày 6/7.
Trong một cuộc họp báo ngày 9/7, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết chưa có nhiều bằng chứng chắc chắn về con đường lây truyền virus corona (virus SARS-CoV-2) trong không khí, nhưng ông nhấn mạnh “đó là một giả định hợp lý rằng nó có thể xảy ra”.
Mặc dù chưa đầy đủ, Fauci cho biết bằng chứng cho đến nay là cơ sở cơ bản cho lý do tại sao chúng ta bây giờ rất khuyến khích mọi người – đặc biệt là những người không có triệu chứng – đeo khẩu trang.
Chỉ có một số lượng rất nhỏ bệnh được cho là lây lan qua khí dung, hoặc các hạt nổi nhỏ. Chúng bao gồm sởi và bệnh lao – hai mầm bệnh rất dễ lây lan có thể tồn tại trong không khí trong nhiều giờ và cần có biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa phơi nhiễm.
Hướng dẫn trước đó của WHO chỉ thừa nhận việc truyền virus corona trong không khí trong các quy trình y tế cụ thể. Linsey Marr, một chuyên gia về khí dung tại Học viện Bách khoa Virginia, người tham gia vào bức thư của WHO, cho biết bà cảm thấy rất vui khi WHO hiện đang thừa nhận khả năng lây truyền virus corona qua không khí.
Nhưng bà cho rằng WHO đang sử dụng một định nghĩa “lỗi thời” về các giọt bắn và aerosol (khí dung) và quá tập trung vào kích thước của các giọt và khoảng cách chúng di chuyển.
WHO định nghĩa aerosol dưới 5 micron vì chỉ những hạt nhỏ có thể trôi nổi trong không khí đủ lâu để hít vào. Tuy nhiên, Jimenez và Marr cho biết một phạm vi kích thước hạt lớn hơn nhiều đã được chứng minh là góp phần gây nhiễm bệnh COVID-19.
Thay vì kích thước, họ cho biết sự khác biệt giữa các giọt và aerosol nên dựa trên con đường nhiễm trùng xảy ra: Nếu một người hít phải virus và bị nhiễm bệnh, thì đó là aerosol. Nếu nhiễm trùng xảy ra do tiếp xúc, đó là trường hợp liên quan đến giọt.
Mặc dù WHO đã tập trung vào việc lây truyền qua không khí ở khoảng cách xa, nhưng Marr cho biết việc hít vào khí dung là mối lo ngại lớn hơn khi tiếp xúc gần và khi mọi người ở trong cùng một phòng.
Cập nhật lúc 7h50 ngày 10/7/2020:
*Thế giới: 12.377.702 người mắc; 556.565 người tử vong Đến 7h50 ngày 10/7, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Tổng cộng 347 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Trong đó: 16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1). 331 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến ngày 8/7) được chữa khỏi (giai đoạn 2) |
Mai Đan (Tổng hợp từ Reuters và CNN)