TRAFFIC vừa công bố báo cáo nghiên cứu cho thấy có hàng ngàn mặt hàng ngà voi bị giao dịch mỗi tháng trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Indonesia, Thái Lan và Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2016 – 2019.
Nghiên cứu ghi nhận 8.508 mặt hàng, từ các mảnh ngà voi đến đồ trang sức và đồ trang trí được rao bán trong 1.559 bài đăng trên Facebook và Instagram tại 3 quốc gia trong vòng từ tháng 6 đến tháng 7 năm 2016.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận tổng cộng 2.361 mặt hàng ngà voi bị rao bán trong 545 bài đăng tại ba quốc gia, theo một đánh giá nhanh chỉ trong vòng 5 ngày tháng 7/2019.
120 nhóm Facebook và Instagram được theo dõi trong cả hai cuộc khảo sát. Tuy nhiên, chỉ có 69 nhóm vẫn hoạt động vào năm 2019, số còn lại đã bị đóng.
Đặc biệt, cùng trong năm 2019, ở Indonesia và Thái Lan, số lượng bài đăng và lượng mặt hàng ngà voi được bán trung bình hàng tuần cao hơn đáng kể nhưng tại Việt Nam, hai chỉ số này lại giảm.
Nhìn chung, so với năm 2016, số lượng vật phẩm bán ra trung bình hàng tuần tăng 46,3% và các bài đăng tăng 74,8% trong năm 2019.
Nhóm tác giả lưu ý vì chỉ các nhóm được khảo sát vào năm 2016 mới được đưa vào khảo sát năm 2019 nên quy mô thực sự của giao dịch trực tuyến hiện tại có thể lớn hơn đáng kể so với quan sát.
Giám đốc TRAFFIC Đông Nam Á Kanitha Krishnasamy cho biết: “Đây là một bước quan trọng trong việc làm nổi bật cường độ buôn bán ngà voi trực tuyến tại các quốc gia này, và khiến các nước khi đánh giá về buôn bán ngà voi trong nước đều phải tính tới buôn bán trực tuyến”.
Indonesi là trường hợp đặc biệt vì thường bị bỏ qua trong các nghiên cứu ngà voi toàn cầu. Tuy nhiên, nước này lại có nhiều thương nhân kinh doanh ngà voi trực tuyến. Những phát hiện này cùng với các vụ bắt giữ ngà voi gần đây từ các thương nhân trực tuyến ở Indonesia và các vụ bắt giữ xuyên biên giới cho thấy mức độ thực sự của thương mại ngà voi tại đất nước vạn đảo.
Trang sức bằng ngà là mặt hàng chiếm ưu thế trong cả hai thời điểm khảo sát với các nền tảng trực tuyến của Việt Nam có số lượng bán lớn nhất trong năm 2016 và Thái Lan vào năm 2019.
Nghiên cứu kêu gọi tiếp tục chú ý đến Việt Nam trong vai trò một trung tâm thương mại ngà voi vì trong năm cả năm 2016 và 2019, Việt Nam bị phát hiện có tỷ lệ mặt hàng được chào mời và mặt hàng được bán lớn nhất. Nói cách khác, các bài đăng đơn lẻ ở Việt Nam liên quan đến nhiều món hàng hơn so với Thái Lan và Indonesia.
Báo cáo cũng nêu mối lo ngại về thương mại ngà voi trực tuyến của Thái Lan vì nước này có lượng sản phẩm ngà thô lớn nhất và ghi nhận việc giao dịch tăng trong năm 2019 mặc dù có ít nhóm buôn bán trực tuyến hoạt động hơn. Thái Lan nên sửa đổi luật pháp về động vật hoang dã và đưa ra các hình phạt cao hơn cho buôn bán trên internet.
Các tác giả cũng đề nghị hợp tác chặt chẽ hơn với Facebook và Instagram để đảm bảo giám sát và thực thi hiệu quả hơn đối với các thương nhân động vật hoang dã trực tuyến.
Facebook đã xóa 557/600 bài đăng, nhóm và hồ sơ Instagram được gắn cờ sau kết quả nghiên cứu năm 2019.
“Sự hợp tác của Facebook với Liên minh Chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trực tuyến thể hiện nỗ lực chống buôn bán ngà voi trên các nền tảng của chúng tôi. Những nội dung này đi ngược lại chính sách của Facebook. Chúng tôi cam kết thực thi các tiêu chuẩn của mình”, theo Crystal Davis, phát ngôn viên của Facebook.
Nhật Anh (Theo Traffic)