Tính đến 6h ngày 9-7, toàn thế giới có 12.138.056 ca mắc Covid-19, trong đó có 550.879 trường hợp tử vong và 7.016.820 bệnh nhân đã hồi phục.
Châu Mỹ
Ngày 8-7, phát biểu tại cuộc họp với lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ ban hành một hướng dẫn mới về việc mở cửa lại trường học vào tuần tới, nằm trong chuỗi khuyến nghị gồm 5 phần nhằm giúp học sinh, sinh viên trở lại trường một cách an toàn.
Phó Tổng thống M.Pence cũng cho biết, lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Nhà Trắng đang tập trung nỗ lực tại các bang là điểm nóng dịch bệnh mới, nơi chiếm tới 1/2 số ca dương tính mới của nước này như Arizona, Florida và California.
Với hơn 1,7 triệu ca nhiễm và gần 68.000 người tử vong, Brazil hiện là tâm dịch lớn thứ hai sau Mỹ. Ngày 8-7, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết, ông đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt, sau khi nhà lãnh đạo 65 tuổi này được xác nhận mắc Covid-19 vào ngày 7-7.
Châu Âu
Ngày 8-7, phát biểu tại hội nghị trực tuyến do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chủ trì, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) cần quyết liệt hơn trong cuộc chiến ngăn chặn Covid-19 cũng như các tác động của đại dịch này đối với nền kinh tế của khối.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi châu Âu hợp tác và gắn kết trước thử nghiệm lớn nhất trong lịch sử EU mang tên đại dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo EU cần thống nhất quan điểm về gói phục hồi kinh tế trong một cuộc họp về ngân sách chung của liên minh sẽ được tổ chức tại Brussels (Bỉ) trong hai ngày 17 và 18-7 tới. Những quan điểm khác biệt đáng kể giữa các quốc gia EU vẫn là vấn đề then chốt, đặc biệt là việc liệu quỹ phục hồi kinh tế sẽ đưa ra trợ giúp dưới dạng các khoản vay nợ hay cung cấp các khoản trợ cấp toàn diện cho các nước có nhu cầu.
Ngày 8-7, trong bức thư gửi Ủy viên Y tế EU Stella Kyriakides và Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, Bộ trưởng Y tế Italia Roberto Speranza kêu gọi áp đặt các biện pháp phòng ngừa mới đối với du khách tới từ những khu vực không thuộc khối Schengen và ngoài EU, trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch lây lan.
Reuters dẫn nguồn tin từ Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, EC đã ký thỏa thuận với các nhà sản xuất thuốc Roche (ROG.S) và Merck KGaA (MRCG.DE) để cung cấp các phương pháp điều trị Covid-19 đang được nghiên cứu. Thỏa thuận bao gồm việc bảo đảm nguồn cung thuốc điều trị viêm khớp RoActemra của Roche và thuốc trị đa xơ cứng Rebif của Merck KgaA – hai loại thuốc điều trị Covid-19 tiềm năng – cho bất kỳ thành viên nào của EU có nhu cầu.
Truyền thông Pháp đưa tin, các phân tích mẫu nước thải mới nhất lấy từ thủ đô Paris và vùng ngoại ô cho thấy sự xuất hiện một lượng nhỏ vi rút SARS-CoV-2 trong những tuần qua. Viện Y học quốc gia Pháp nhận định, phân tích vi sinh học của nước thải có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát định kỳ và dự báo đường đi của vi rút.
Ngày 8-7, Viện Y tế cấp cao Italia cũng thông báo sẽ triển khai lấy mẫu nước thải trên diện rộng để phát hiện sự tồn tại của vi rút SARS-CoV-2 và cảnh báo sớm về khả năng bùng phát dịch bệnh.
Châu Á
Tân Hoa xã cho biết, sau khi tham khảo ý kiến hai bên, Chính phủ Trung Quốc đã nhất trí về việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cử chuyên gia tới Bắc Kinh để trao đổi ý kiến với các nhà khoa học và chuyên gia y tế nước này trong việc truy tìm nguồn gốc vi rút gây đại dịch Covid-19. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, WHO cũng bày tỏ quan điểm đây là một quá trình có thể liên quan đến nhiều quốc gia, nhiều địa phương và WHO sẽ thực hiện các chuyến đi tương tự đến các quốc gia và khu vực khác tùy theo nhu cầu thực tế.
Với giả định thế giới chưa thể tìm ra vắc xin ngừa Covid-19, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cảnh báo, Ấn Độ sẽ có khoảng 287.000 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 mỗi ngày vào khoảng cuối tháng 2-2021 và sẽ sớm vượt qua Mỹ để trở thành tâm dịch hàng đầu thế giới. Cũng với kịch bản này, các nhà khoa học cho rằng sẽ có 249 triệu ca mắc Covid-19 và 1,8 triệu người tử vong trên toàn cầu vào mùa xuân năm sau. Do đó, nghiên cứu này khẳng định tầm quan trọng của việc xét nghiệm sớm trong ngăn chặn sự lây nhiễm vi rút và kiểm soát tỷ lệ tử vong.
Châu Phi
Ngày 8-7, Nigeria đã nối lại các chuyến bay nội địa sau khoảng 3 tháng gián đoạn trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất châu Phi đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch. Các sân bay ở thủ đô Abuja và thành phố thương mại Lagos đã mở cửa trở lại cho một số chuyến bay. Nhiều sân bay khác sẽ mở cửa vào ngày 11-7 và phần còn lại dự kiến nối lại hoạt động vào ngày 15-7. Đây là bước đi mới nhất của Chính phủ Nigeria để mở cửa lại nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cảnh báo, người dân bắt đầu phải đối mặt với giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng lên nhanh chóng tại quốc gia này.