Để đảm bảo 100% định mức khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng cho diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng tự nhiên. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2642/QĐ-UBND về việc phê duyệt giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể, kế hoạch vốn theo nguyên tắc phân bổ 100% số kinh phí Trung ương bổ sung vốn sự nghiệp để thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Đảm bảo 100% định mức khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng cho diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng tự nhiên là rừng sản xuất thuộc các đối tượng hỗ trợ theo quy định; đảm bảo 100% định mức kinh phí hỗ trợ phát triển cho 50-70% số thôn, bản vùng đệm các khu rừng đặc dụng; kinh phí quản lý, kiểm tra nghiệm thu hợp đồng khoán bảo vệ rừng.
Số kinh phí còn lại được phân bổ vào kinh phí hoạt động của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp tỉnh; hỗ trợ kinh phí xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; hỗ trợ kinh phí cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC); tập huấn nâng cao năng lực cho kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng; sửa chữa, nâng cấp Trạm bảo vệ rừng và Trạm Kiểm lâm của các khu bảo tồn thiên nhiên và Ban quản lý rừng phòng hộ.
Theo đó, kinh phí được phân bổ đợt này là 43.900 triệu đồng, trong đó khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng cho diện tích rừng đặc dụng phòng hộ và rừng tự nhiên là rừng sản xuất 27.102,8 triệu đồng. Khoán hỗ trợ rừng phòng hộ 23.464,7 triệu đồng. Hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm rừng đặc dụng: 3.680 triệu đồng với định mức phân bổ 40.000.000 đồng/thôn, bản/năm. Hỗ trợ kinh phí xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững: 6.200 trệu đồng. Hỗ trợ kinh phí cấp chứng chỉ rừng bền vững năm 2020 là 800 triệu đồng.
Kinh phí hoạt động của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thanh Hóa: 600 triệu đồng. Hỗ trợ kinh phí quản lý, kiểm tra nghiệm thu hợp đồng khoán bảo vệ rừng: 1.897,2 triệu đồng. Kinh phí tập huấn nâng cao năng lực cho kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng: 260 triệu đồng. Kinh phí sửa chữa, nâng cấp Trạm bảo vệ rừng và Trạm Kiểm lâm là 3.360 triệu đồng. Nguồn kinh phí được lấy từ nguồn kinh phí Trung ương bổ sung vốn sự nghiệp để thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2020.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao các đơn vị căn cứ khối lượng và kinh phí được giao để khẩn trương lập hồ sơ, dự toán trình cấp thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện đảm bảo đúng nội dung, tiến độ, khối lượng được phê duyệt; đồng thời quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, đúng đối tượng và thanh quyết toán đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, kiểm tra hướng dẫn các chủ dự án cơ sở thực hiện lập hồ sơ, dự toán trình cấp thẩm quyền phê duyệt; tổ chức giám sát, kiểm tra trong suốt quá trình thực hiện của các đơn vị theo đúng quy định của pháp luật.