Báo cáo mới của tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM) cho thấy nhiều dự án xây dựng và mở rộng các dự án kho cảng khí tự nhiên đang gặp khó khăn nghiêm trọng.
Bối cảnh mới đầy biến động
Theo báo cáo “Bong bóng khí đốt 2020: Theo dõi cơ sở hạ tầng khí thiên nhiên hoá lỏng toàn cầu” do GEM vừa công bố hôm nay, năm vừa qua, công suất kho cảng LNG đang xây dựng trên toàn thế giới đã tăng hơn gấp đôi, với tổng đầu tư tăng từ 82,8 tỷ USD lên tới 196,1 tỷ USD.
Tuy nhiên nhiều dự án mới trên kế hoạch hoặc đang xây dựng hiện gặp khó khăn nghiêm trọng. Khảo sát của GEM cho thấy gần đây ít nhất hơn 20 dự án đã bị hủy hoặc hiện hoặc chậm tiến độ do phải vật lộn với những vấn đề về tài chính, các cuộc biểu tình phản đối, hay ảnh hưởng do đại dịch.
Trong năm vừa qua, LNG chịu những thất bại lớn về chính trị và tài chính. Tập đoàn Berkshire Hathaway đã cắt giảm vài tỷ USD đầu tư cho kho cảng LNG Energie Saguenay ở Quebec sau hàng loạt các cuộc biểu tình trên toàn Canada chống lại các đường ống dẫn khí này. Chính phủ mới của Ireland cũng đã cam kết rút dự án kho cảng LNG Shannon khỏi danh sách các dự án lợi ích chung của châu Âu và Tòa án Công lý châu Âu đã đưa ra phán quyết rằng việc cấp phép lập kế hoạch của dự án này là không hợp lệ. Thụy Điển đã loại bỏ dự án LNG Gothenburg khỏi danh sách các dự án lợi ích chung của châu Âu.
Báo cáo Bong bóng khí đốt 2020 được xây dựng dựa trên dữ liệu mới nhất do Hệ thống Theo dõi Cơ sở Hạ tầng Năng lượng Hóa thạch Toàn cầu của GEM thu thập.
Tác động đáng ngại đến môi trường
Đốt khí tự nhiên, chủ yếu là khí methane, để sản xuất điện chỉ phát thải một nửa lượng carbon dioxide so với đốt than, nên khí tự nhiên từng được coi là loại nhiên liệu “cầu nối” trong giai đoạn chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Nhưng khí methane tự nó lại là một loại khí nhà kính. Methane không tồn tại lâu như carbon dioxide trong khí quyển – chỉ trong nhiều thập kỷ chứ không phải hàng thế kỷ – nhưng khi tính trung bình theo mốc thời gian 100 năm, khí methane tác động đến môi trường mạnh hơn khoảng 25 lần so với carbon dioxide. Và nếu tính trung bình trong khoảng thời gian 20 năm, tác động của methane đến môi trường mạnh hơn carbon dioxide 86 lần.
Tác động của một nhà máy nhiệt điện khí mới xây ở châu Âu hay châu Á chạy bằng LNG có nguồn gốc từ Mỹ cũng xấp xỉ tác động của một nhà máy điện than mới ở cùng một vị trí, do việc rò rỉ khí methane từ hệ thống cung cấp khí đốt cùng với hao tổn năng lượng trong quá trình vận chuyển LNG đường dài. Việc phát triển LNG mâu thuẫn trực tiếp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu, theo đó các nước được yêu cầu giảm 15% lượng khí đốt sử dụng vào năm 2030 và giảm 43% vào năm 2040, so với năm 2020.
Bên cạnh đó, do chi phí năng lượng tái tạo thay thế giảm, việc mở rộng cơ sở hạ tầng LNG đang đối mặt với các vấn đề về hiệu quả đầu tư trong dài hạn và nguy cơ mắc kẹt tài sản.
“LNG đã từng được cho là một lựa chọn an toàn cho các nhà đầu tư,” Gre Aitken, nhà phân tích nghiên cứu tại GEM, cho biết. “Không chỉ được coi là một loại nhiên liệu thân thiện với khí hậu, mà LNG còn nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ phía chính phủ để đảm bảo các dự án khổng lồ này được nâng đỡ hoàn thiện với tất cả số tiền chúng cần, gồm cả những dự án có vốn đầu tư lớn nhất từng được xây dựng. Và đột nhiên, ngành công nghiệp này lâm vào hàng loạt khó khăn.”
“Trong lĩnh vực năng lượng, kết quả chạy mô hình đã cho thấy các gói năng lượng tái tạo đã bắt đầu vượt qua nhiên liệu khí nhập khẩu ở Hàn Quốc. Và mỗi năm trôi qua, năng lượng tái tạo sẽ càng trở nên cạnh tranh hơn,” Ted Nace, giám đốc điều hành của GEM nói.