Đại dịch COVID-19 đặc biệt nguy hiểm, đe dọa cả thế giới, song Việt Nam đã bước đầu vượt qua ngoạn mục, chưa có ca nào tử vong. Trong khi đó, dịch bệnh bạch hầu mới bùng phát, dù đã có vaccine phòng bệnh và thuốc kháng sinh điều trị đặc hiệu, song có đến 3 ca tử vong ở Tây Nguyên. Thêm đó, có đến 6 ca tử vong do bệnh dại ở Đắk Lắk… Đáng nói những cái chết phần lớn là do chủ quan.
Từ đầu năm đến nay, tại khu vực Tây Nguyên đã phát hiện 63 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó 3 ca bệnh đã tử vong. Mới đây, bé trai 4 tuổi mắc bệnh bạch hầu tại huyện Đắk Đoa, Gia Lai tử vong. Trước đó, hai bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) là S.T.H. (nữ, 9 tuổi) và G.A.P. (nam, 13 tuổi) cùng ở tại tỉnh Đắk Nông cũng tử vong vì bệnh bạch hầu ác tính. Các bệnh nhân đều không tiêm vaccine phòng bệnh trước đó.
Các bệnh nhân này nhập viện đều trong tình trạng sốt, ho, đau họng… nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy cấp với biến chứng tim, dẫn đến tử vong.
Trong số 63 trường hợp dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu được ghi nhận tại khu vực Tây Nguyên từ đầu năm đến nay, tập trung tại 4 tỉnh, gồm Đắk Nông 25 ca, KonTum 22 ca, Gia Lai 15 ca và Đắc Lắk 1 ca. Những người mắc bệnh ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Điều đáng nói là hiện nay đã có vaccine phòng bệnh và thuốc kháng sinh điều trị đặc hiệu, nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên vẫn khá cao, chiếm gần 6%. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân là người dân tộc thiểu số chiếm tới 90%. Đa phần những trường hợp mắc là người trên 7 tuổi, và không được tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu.
Cho đến khi bạch hầu bùng phát, có người tử vong, chính quyền phong tỏa, cách ly, nhưng nhiều người dân vẫn chống đối, né tránh việc tiêm phòng. Cán bộ y tế cơ sở ở Đắk Nông cho biết một phần do đồng bào dân tộc thiểu số ở đây ít biết tiếng Kinh, sống phân tán nên công tác truyền thông y tế chưa thật hiệu quả, nhưng phần lớn là do dân chủ quan. Đặc biệt là sinh hoạt đời sống còn chưa đảm bảo vệ sinh cả về môi trường lẫn vệ sinh cá nhân.
Một hiện tượng dịch bệnh không kém phần nguy hiểm nữa xảy ra ở Đắk Lắk là bệnh dại từ chó thả rông. Chỉ 6 tháng đầu năm 2020, địa phương này có đến 6 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Theo Sở Y tế Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã có đến 2.400 người đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng bệnh dại khi bị chó dại cắn, nhưng vẫn có đến 6 trường hợp không may tử vong. Và đây là những trường hợp không tiêm phòng.
Vì vậy, tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp bắt buột, người dân không thể chủ quan. Thực trạng trên đang là điểm nóng, xảy ra ở Tây Nguyên, nhưng cũng là cảnh báo cho cả nước, đặc biệt các vùng nông thôn, miền núi – nơi vẫn thường xuyên xuất hiện các bệnh dịch như bạch hầu, chó dại…