Công ty Sun Cable của Singapore có kế hoạch cung cấp 1/5 nhu cầu năng lượng của quốc đảo này thông qua một tuyến cáp dưới biển được liên kết với một trang trại năng lượng mặt trời cách đó 3.800 km ở Úc.
Các chuyên gia và những người ủng hộ nói rằng, kế hoạch này không hề điên rồ như chúng ta nghĩ, ngay cả khi nó có rủi ro thương mại.
Sâu trong sa mạc Úc, trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới đang được xây dựng. Mục tiêu của nó rất tham vọng: phần lớn năng lượng được tạo ra sẽ được xuất khẩu sang Singapore thông qua một dây cáp ngầm dài tận 3.800km nằm sâu dưới đáy biển.
Trang trại năng lượng mặt trời ước tính trị giá ít nhất 20 tỷ đô la Úc (13,7 tỷ USD), sẽ trang bị một loạt các tấm pin mặt trời 10 gigawatt trải rộng trên 15.000 ha và được hỗ trợ bởi một nhà máy lưu trữ 22GWh. Sun Cable, công ty Singapore đứng sau dự án, hy vọng nó có thể sản xuất tới 20% nhu cầu năng lượng của đất nước Singapore.
Khoảng 95% lượng điện tại Singapore được tạo ra từ khí tự nhiên, phần lớn đến từ khí tự nhiên nhập khẩu (LNG). Các nhà lãnh đạo Singapore cho biết nước này sẽ tăng sản lượng năng lượng mặt trời.
Thông tin chi tiết về việc ai sẽ mua điện ở phía Singapore vẫn chưa được xác nhận, nhưng iSwitch, một trong những nhà bán lẻ điện hàng đầu của Singapore, đã tỏ ra rất quan tâm.
Andrew Koscharsky, giám đốc thương mại tại iSwitch, cho biết sự ‘thèm thuồng’ của Singapore đối với năng lượng sạch đang phát triển và kế hoạch đó là một trò chơi win-win dành cho tất cả mọi người.
“Một năm trước, nếu bạn nói với tôi rằng Singapore sẽ có 350 megawatt năng lượng mặt trời được lắp đặt vào năm 2020, tôi sẽ nghĩ đó là điều viển vông – Nhưng chúng ta đang ở đây. Nó đã đạt được”, anh nói. “Hiện tại, mục tiêu tiếp theo là 2.000 megawatt vào năm 2030. Điều này cực kỳ tham vọng, nhưng các dự án như Sun Cable sẽ giúp chúng tôi đạt được điều đó.”
“Sun Cable cũng có thể cung cấp sự ổn định hơn, bởi vì tất cả giá điện xảy ra ở Singapore có liên quan đến thị trường dầu mỏ, vì vậy khi dầu tăng, giá điện Singapore sẽ tăng lên”, ông nói.
David Griffin, giám đốc điều hành của Sun Cable, cho biết người tiêu dùng có thể mong đợi một mức giá cố định 20 năm. Koscharsky cho biết iSwitch có thể cam kết về giá trong 3-15 năm.
Koscharsky nói thêm rằng việc Singapore tự do hóa thị trường điện bán lẻ, cho phép tư nhân hóa điện và trao quyền cho người tiêu dùng chọn nhà cung cấp và do đó là nguồn năng lượng, có thể đóng vai trò là kim chỉ nam cho các quốc gia khác ở châu Á.
Malaysia, Việt Nam, Philippines và Trung Quốc đang đi trên con đường tự do hóa bán lẻ và sẽ khám phá những gì hoạt động và những gì không hoạt động ở các nước khác, ông nói. “Singapore cung cấp một ví dụ khá hay về cách tự do hóa thị trường năng lượng.”
Trong khi chính phủ liên bang Úc phần lớn từ chối dự án, chính phủ phần Lãnh thổ phía Bắc của Úc đã nhanh chóng theo dõi phê duyệt.
Phát biểu tại một sự kiện kinh doanh ở Darwin năm nay, Bộ trưởng Lãnh thổ phía Bắc Michal Gunner cho biết lãnh thổ này có nguồn năng lượng mặt trời tốt nhất trên thế giới và chào đón sự đầu tư của Sun Cable.
Tony Wood, giám đốc chương trình năng lượng tại Viện Grattan, cho biết dự án này có thể đem lại rủi ro về mặt thương mại.
“Nếu chúng ta nhìn vào những gì đã xảy ra với cáp Basslink đến Tasmania từ lục địa Úc, thì nó đã thất bại một cách nghiêm trọng ít nhất hai lần và đã ngừng hoạt động vào năm 2016 sau 6 tháng”, ông nói. “Nếu mà Tasmania phụ thuộc nghiêm trọng vào tuyến cáp đó thì họ sẽ gặp rắc rối lớn.”
“Đối với Sun Cable, họ đang đề xuất xây dựng vài trăm megawatt pin ở phía Singapore, vì vậy nếu trong trường hợp ngay khi cáp bị hỏng, pin đã đầy thì nó cũng chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu dự phòng trong thời gian rất ngắn”.
“Với tôi, đó là rủi ro thương mại lớn nhất. Chính phủ Singapore sẽ không thoải mái khi đặt tất cả niềm tin vào một sợi cáp duy nhất.”, Wood cho biết giảm rủi ro là có thể, nhưng tốn kém. “Họ có thể xây dựng hai dây cáp”, ông nói. “Các xác suất để hai dây cáp bị hỏng cùng một lúc là rất nhỏ”