Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai được thực hiện tại 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu suất và tính minh bạch của dịch vụ quản lý đất đai…
Sau hơn 3 năm triển khai Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG), công tác quản lý đất đai đã có những chuyển biến tích cực, song một số địa phương thực hiện dự án vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Đại diện Tổng cục Quản lý đất đai thừa nhận nguyên nhân là do việc hoàn thiện hồ sơ để ký hợp đồng cho vay giữa Ủy ban Nhân dân các tỉnh thuộc dự án với Bộ Tài chính còn chậm.
Ngoài ra, dự án còn vướng mắc trong việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư trung hạn; một số tỉnh chưa phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán…
Từ thực tế nêu trên, tại buổi làm việc với Tổng cục Quản lý đất đai và các đơn vị liên quan diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã yêu cầu Ban Quản lý Dự án VILG cấp Trung ương đôn đốc tiến độ dự án ở các địa phương. Tăng cường cử cán bộ xuống các địa phương, nhất là các địa phương chậm tiến độ, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ dự án.
“Ban Quản lý dự án cần chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu để khi xây dựng xong hệ thống phần mềm có thể kịp thời cập nhật, tránh việc đợi phần mềm mà ảnh hưởng tới tiến độ dự án,” ông Ngân nhấn mạnh.
Đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án cần tập huấn sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án; tăng cường kiểm tra dự toán dự án; cần phải sớm thành lập Hội đồng nghiệm thu phần mềm thí điểm tại tỉnh Thái Nguyên sau đó tổ chức hội nghị tổng kết thí điểm phần mềm…
Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hỗ trợ việc tái cấu trúc dự án, gia hạn thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư theo thẩm quyền.
Theo Tổng cục Quản lý đất đai-Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự án VILG có tổng mức đầu tư là 180 triệu USD, được thực hiện trong thời gian từ tháng 3/2017-31/2021, thời gian gia hạn đến tháng 4/2022.
Dự án được thực hiện tại 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu suất và tính minh bạch của dịch vụ quản lý đất đai tại các địa phương dự án thông qua việc phát triển và thực hiện Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu quốc gia.
Tính đến ngày 30/6/2020, đã có 182 huyện đã lập xong thiết kế kỹ thuật dự toán; trong đó có 96 huyện của 18 tỉnh đã được phê duyệt.
Về ký kết hợp đồng, hiện đã có 69 huyện hoàn thành việc ký giao cho Văn phòng Đăng ký đất đai và 48 huyện đã ký kết với các nhà thầu xây dựng cơ sở dữ liệu.
Ban Quản lý Dự án VILG cũng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên triển khai thí điểm phần mềm cơ sở dữ liệu.
Đến nay, Tập đoàn Viettel đã cung cấp Trung tâm dữ liệu tại Trung ương và kết nối 4 đường truyền tới Văn phòng Đăng ký đất đai và 3 chi nhánh; tổ chức đào tạo, tập huấn về sử dụng phần mềm cho các huyện, các đơn vị; xây dựng kế hoạch, nội dung, dự toán đào tạo, chuyển giao công nghệ cho 31 tỉnh thực hiện dự án…