Trung Quốc vẫn đang khuyến khích dùng thuốc điều trị Covid-19 có sử dụng mật gấu nuôi nhốt.
Mật gấu là thành phần trong thuốc cổ truyền (TCM) Đàm Nhiệt Thanh, hiện đang được quảng cáo là một phần của kế hoạch điều trị Covid-19 chính thức được Cục Y học cổ truyền Bắc Kinh ban hành ngày 14/6 để hướng dẫn phương pháp điều trị bằng TCM cho các tổ chức y tế trên địa bàn.
Tháng 3/2020, Cơ quan Điều tra môi trường quốc tế (EIA) đã đưa ra cảnh báo đầu tiên về việc Trung Quốc khuyến khích sử dụng Đàm Nhiệt Thanh – loại thuốc tiêm có thành phần là mật gấu nuôi nhốt.
Ngày 23/6, EIA cũng phát hiện bản trích yếu chính thức năm 2020 của Trung Quốc về thuốc cổ truyền và thuốc Tây vẫn bao gồm các thành phần từ tê tê, xương báo và mật gấu trong các chế phẩm được phê duyệt.
“Điều này cho thấy cách Trung Quốc vẫn tiếp tục cổ súy y học cổ truyền sử dụng thành phần từ những loài động vật hoang dã nguy cấp”, Aron White, nhà vận động về động vật hoang dã thuộc EIA cho biết.
“Việc tiếp tục khuyến khích sử dụng thuốc điều trị có thành phần là bộ phận cơ thể các loài nguy cấp rất gây lo ngại bởi nó không chỉ hợp pháp hóa nhu cầu dẫn đến việc săn trộm và buôn bán các loài mà còn có nguy cơ làm suy yếu tiến bộ thực sự trong chính sách về động vật hoang dã của Trung Quốc”.
“Việc cấm gần như toàn bộ việc nhân nuôi và buôn bán động vật hoang dã trên cạn để làm thức ăn được thông qua vào tháng 2 sau những lo ngại về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, cách tiếp cận này sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu chỉ cấm khai thác thương mại cho mục đích này nhưng vẫn cho phép với mục đích khác”.
Aron White nói thêm rằng: “Chúng ta đã thấy những lời kêu gọi liên tục từ nhiều tổ chức phi chính phủ, học giả, chuyên gia y tế và nhà lập pháp ở Trung Quốc về việc chấm dứt sử dụng các loài động vật hoang dã bị đe dọa để làm thuốc. Bây giờ, thay vì các biện pháp nửa vời và thông điệp dễ gây nhầm lẫn, chúng ta cần thấy các nhà lập pháp Trung Quốc lắng nghe những lời kêu gọi này và áp dụng lệnh cấm toàn diện đối với việc buôn bán các loài động vật hoang dã nguy cấp cho bất kỳ mục đích nào”.
Thược Dược (Theo EIA)