Theo nghiên cứu, tần số sóng nhiệt và cường độ tích lũy đã tăng lên trong nhiều thập kỷ.
Sóng nhiệt đã tăng cả về chiều dài và tần suất ở hầu hết mọi nơi trên thế giới kể từ những năm 1950. Điều này được phát hiện trong nghiên cứu đầu tiên xem xét vấn đề ở cấp độ khu vực.
Nghiên cứu cho thấy sự leo thang của các đợt sóng nhiệt khác nhau trên khắp hành tinh. Khu vực Amazon, Đông Bắc Brazil, Tây Á (bao gồm các phần của tiểu lục địa và trung tâm châu Á) và Địa Trung Hải đều trải qua sự thay đổi nhanh hơn. Khu vực có người ở duy nhất không tăng sóng nhiệt là miền Trung nước Mỹ.
Được công bố trên tạp chí Nature Communications, nghiên cứu đã phát hiện một xu hướng gia tăng rõ rệt trong tổng số ngày nắng nóng trong và trên khắp các khu vực, và sóng nhiệt đã trở nên dài hơn trong 70 năm qua.
Biện pháp duy nhất liên quan đến sóng nhiệt không tăng trên quy mô toàn cầu là cường độ trung bình, đó là nhiệt độ trung bình trên tất cả các sóng nhiệt mỗi mùa. Những nơi duy nhất tăng lên là miền Nam Australia và các khu vực Châu Phi và Nam Mỹ.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng kiểm tra một biện pháp mới gọi là nhiệt tích lũy – hay cường độ tích lũy – đã đánh giá mức độ ấm thêm vào trong một hiện tượng nhiệt cực đoan vượt quá ngưỡng truyền thống xác định bắt đầu sóng nhiệt.
Nhiệt tích lũy cho thấy sự gia tăng trung bình nhiệt độ toàn cầu từ 1-4,5 độ C mỗi thập kỷ, nhưng ở một số nơi như Trung Đông, một phần của châu Phi và Nam Mỹ, xu hướng lên tới 10 độ C một thập kỷ.
“Chúng ta không chỉ thấy sóng nhiệt ngày càng nhiều trên toàn cầu trong 70 năm qua, mà xu hướng này đã gia tăng rõ rệt”, Tiến sĩ Sarah Perkins Kirkpatrick thuộc Trung tâm nghiên cứu thời tiết cực đoan của Hội đồng nghiên cứu Australia, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Theo bà, xu hướng này phù hợp với những gì các nhà khoa học về khí hậu đã dự báo từ lâu, sự gia tăng sóng nhiệt sẽ là một dấu hiệu rõ ràng của sự nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn những tác động xấu nhất của khủng hoảng khí hậu.
“Thời gian cho việc không hành động đã kết thúc. Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ theo từng khu vực trong các đợt sóng nhiệt và sự gia tăng nhanh chóng số lượng các hiện tượng này là những chỉ số rõ ràng cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang tăng nhanh”, bà Perkins Kirkpatrick nhấn mạnh.
Theo ghi nhận thường xuyên, các đợt nắng nóng tồi tệ nhất đã gây ra hậu quả thảm khốc. Ở miền Đông Nam Australia, mùa nắng nóng tồi tệ nhất là mùa hè năm 2009, với ước tính có thêm 374 người chết trong 3 ngày do nhiệt độ quá cao. Và hai tuần sau đó, trận cháy rừng đã cướp đi sinh mạng của 173 người.
Đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất tấn công Địa Trung Hải là vào mùa hè năm 2003, gây ra khoảng 70.000 ca tử vong trên khắp châu Âu. Nhiệt độ tăng cao cũng gây thiệt hại hơn 13,1 tỷ euro cho nông nghiệp và rừng.