10 tỷ đô la kim loại quý bị vứt đi mỗi năm

Theo Báo cáo giám sát rác điện tử năm 2019 mới được Liên hợp quốc công bố, ít nhất mỗi năm con người vứt bỏ lượng rác điện tử chứa các kim loại quý như vàng, bạch kim… trị giá tới 10 tỷ đô la.

Năm 2019, lượng rác điện tử đạt mức kỷ lục 54 triệu tấn, tăng 21% trong 5 năm, tương đương 7,3 kg cho mỗi người trên hành tinh này. Lượng rác điện tử tăng nhanh gấp 3 lần mức tăng dân số và chỉ 17% được tái chế.

Người dân Bắc Âu thải nhiều rác điện tử nhất: 22,4kg/người trong năm 2019. Con số này với người dân Đông Âu chỉ bằng 1/2. Mỗi người dân Úc hoặc New Zealand thải ra 21,3 kg, còn người dân Mỹ và dân Canada là 20,9 kg. Trung bình năm ngoái dân châu Á và châu Phi thải bỏ ít hơn nhiều, với mức 5,6 kg và 2,5 kg.

Báo cáo cho biết rác điện tử chứa các nguyên liệu như đồng, sắt, vàng, bạc và bạch kim trị giá 57 tỷ đô la nhưng phần lớn bị chôn lấp hoặc đốt bỏ thay vì được tái chế. Các kim loại quý trong rác được ước tính trị giá khoảng 14 tỷ đô la nhưng cho đến nay chỉ khoảng 4 tỷ được thu hồi.

Công nhân tái chế rác điện tử ở Moscow. (Ảnh: Sergei Karpukhin/Tass)

Tỷ lệ tái chế ở châu Âu cao nhất với 42%, tiếp theo là châu Á với 12%. Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Đại Dương đạt tỷ lệ tái chế 9%, còn châu Phi chỉ vỏn vẹn 0,9%.

Tại các nước thu nhập thấp và trung bình, một số loại rác điện tử được tái chế theo cách không mấy an toàn như đốt bảng mạch để lấy đồng, phát thải ra các kim loại có hàm lượng độc hại cao như thủy ngân, chì và cadimi, “gây ra tác động sức khỏe nghiêm trọng cho công nhân tái chế cũng như cho trẻ em sống gần khu tái chế”, theo báo cáo.

Mỗi năm có tới 50 tấn thủy ngân chứa trong rác điện tử như màn hình máy tính, bóng đèn tiết kiệm điện… bị thải bỏ. Ngoài ra, khí ga từ tủ lạnh và điều hòa nhiệt độ bị bỏ đi trong năm 2019 cũng tương đương với đổ thêm 98 triệu tấn CO2 vào khí quyển – gần bằng tổng lượng phát thải của Bỉ.

Chuyên gia Kees Baldé thuộc trường Đại học Liên hợp quốc và là tác giả nghiên cứu chia sẻ: “Rác điện tử là vấn đề lớn bởi lượng thải ra tăng nhanh mỗi năm trong khi mức độ tái chế không theo kịp. Điều quan trọng là phải bắt hành động gây ô nhiễm trả giá nhưng hiện mọi người vẫn thoải mái gây ô nhiễm mà không phải bỏ ra xu nào”.

“Vấn đề lớn nhất là ở nhiều nước không có hệ thống thu gom. Các công ty bán sản phẩm điện tử ra thị trường không hề chịu trách nhiệm giải trình về sản phẩm khi hết vòng đời sử dụng”, theo chuyên gia Mijke Hertoghs thuộc Liên minh Viễn thông Quốc tế.

Tuy nhiên, Hertoghs cũng cho rằng các kim loại bị thải bỏ chính là cơ hội để thay đổi hiện trạng: “Nếu [thu gom và tái chế] được tổ chức tốt hơn, tính kinh tế theo quy mô sẽ tăng lên, tôi cho rằng có cơ hội để tạo ra thêm ngành nghề và công ăn việc làm mới, mang lại thu nhập tốt cho nhiều người”. Tái chế cũng sẽ giảm tác động tới môi trường từ việc khai thác kim loại vì “mỗi gram vàng có dấu chân carbon rất lớn”.

“Tái chế rác điện tử không đúng cách là nguy cơ lớn, thầm lặng tác động đến sức khỏe của chúng ta và các thế hệ tương tai”, Maria Neira thuộc WHO chia sẻ. 1/4 số lượng tử vong ở trẻ em là hậu quả của ô nhiễm, trong đó có phần của rác điện tử.

Năm 2018, Liên minh Viễn thông Quốc tế đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế rác điện tử từ mức 17% lên 30% vào năm 2023. Nhưng mọi chuyện không có gì tiến triển như lời Hertoghs: “Để đạt được mục tiêu đó là phi thực tế”. Từ năm 2014, số lượng những nước có luật lệ hoặc chính sách về rác điện tử chỉ tăng từ 61 lên thành 78 nước trong tổng số 193 thành viên Liên hợp quốc.

Libby Peake thuộc think-tank Green Alliance thẳng thắn: “Núi rác điện tử mà báo cáo của Liên hợp quốc ghi nhận là một scandal toàn cầu có thể ngăn chặn được. Các sản phẩm nên được thiết kế theo hướng có tuổi thọ dài hơn, có thể sửa được và quan trọng là có thể nâng cấp được; đảm bảo rằng hệ thống các sản phẩm điện tử luôn tuần hoàn sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm… Chẳng có lời bào chữa nào cho việc không giải quyết scandal này cả”.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: