Theo số liệu trang Worldometer, tính đến 7 giờ, ngày 3-7, số ca mắc Covid-19 trên thế giới đã gần cán mốc 11 triệu, ở mức 10.970.332 ca mắc và 523.167 ca tử vong. Trong vòng gần 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm tới hơn 200 nghìn ca mắc và hơn 5.000 ca tử vong. Mỹ, Brazil và Ấn Độ là các quốc gia ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất.
Cụ thể, Mỹ ghi nhận thêm 53.359 ca mắc và 615 ca tử vong, Brazil ghi nhận thêm 47 nghìn ca mắc mới và 1.277 ca tử vong, Ấn Độ ghi nhận thêm 21.948 ca mắc và 377 ca tử vong.
Tại Mỹ, theo AP và Reuters, số ca mắc mới tăng cao ở 40 bang trong số 50 bang của Mỹ trong vòng 14 ngày qua so với hai tuần trước đó. Trong đó, bốn bang Arizona, California, Florida và Texas ghi nhận tổng cộng 25 nghìn ca mắc mới trong ngày 2-7.
Theo Reuters, làn sóng ca bệnh mới đã khiến một số thống đốc bang ngừng hoặc thay đổi các kế hoạch mở cửa trở lại các bang sau nhiều tháng áp đặt các biện pháp phong tỏa cứng rắn, đóng cửa các bãi biển và hủy các cuộc bắn pháo hoa chào mừng Ngày độc lập vào cuối tuần.
Florida là một trong số những bang chịu ảnh hưởng nặng nhất trong đợt bùng phát số ca mắc mới Covid-19 trong tháng 6, ghi nhận thêm hơn 10 nghìn ca mắc trong ngày 2-7.
California cũng là một tâm dịch mới ghi nhận số ca dương tính Covid-19 tăng 37%, với số người phải nhập viện tăng 56% trong vòng hai tuần qua.
Thống đốc bang Texas Greg Abbott, ngày 2-7 đã lệnh toàn bộ người dân tại toàn bộ các hạt có từ hơn 20 ca mắc Covid-19 phải đeo khẩu trang. Bang này ghi nhận gần 8.000 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 2-7.
Tại khu vực châu Âu, theo số liệu của Worldmeters đến 7 giờ sáng, 3-7, Nga, Ukraine và Pháp, Anh là các quốc gia có số ca mắc cao nhất. Trong đó, Nga ghi nhận thêm 6.760 ca mắc, Ukraine ghi nhận thêm 889 ca mắc và Pháp ghi nhận thêm 659 ca mắc, Anh ghi nhận thêm 576 ca mắc.
Ngày 2-7, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, nước này sẽ nới lỏng các biện pháp cách ly đối với các du khách đi bằng đường hàng không.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn trên nêu rõ Chính phủ Anh sẽ nới lỏng các biện pháp y tế tại biên giới với việc cho phép hành khách từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ cụ thể được miễn thực hiện các thủ tục tự cách ly. Chi tiết kế hoạch sẽ được công bố trong tuần này.
Ngoài ra, vào ngày 3-7, Chính phủ Anh cũng sẽ bãi bỏ yêu cầu cách ly 14 ngày đối với những người đến từ các quốc gia mà London nhận thấy có nguy cơ dịch bệnh Covid-19 là rất thấp. Tuy nhiên, hiện giới chức trách vẫn chưa lập danh sách cụ thể các quốc gia thuộc diện này.
Liên quan kế hoạch nối lại hoạt động học tập của học sinh, chính quyền xứ England cho biết tất cả các trẻ em tại đây sẽ phải trở lại trường học vào tháng 9 tới sau nhiều tuần tranh luận khi các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 được dỡ bỏ. Trong khi đó, chính quyền xứ Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland lên kế hoạch mở cửa lại các trường học sớm hơn.
Một số quốc gia ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao tại khu vực châu Á gồm: Ấn Độ (21.948 ca), Bangladesh (4.019 ca), Pakistan (4.339 ca), A-rập Xê-út (3.383 ca).
Ấn Độ đã bước vào giai đoạn nới lỏng phong tỏa thứ hai từ ngày 1-7, tiếp tục áp đặt hạn chế tại các khu vực có trường hợp lây nhiễm Covid-19. Các trường học và trung tâm huấn luyện vẫn sẽ đóng cửa đến ngày 31-7. Các dịch vụ đường sắt và một số địa điểm như rạp chiếu phim, phòng tập thể dục, bể bơi, công viên giải trí, rạp hát, quán bar bên ngoài các khu vực có ca lây nhiễm Covid-19 được phép mở cửa. Thời gian giới nghiêm ban đêm tiếp tục được nới lỏng, từ 22 giờ đến 5 giờ.
Tại khu vực Nam Mỹ, ngoài Brazil, Colombia, Chile và Peru là các quốc gia ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao. Trong đó, Colombia ghi nhận thêm 4.101 ca, Chile ghi nhận thêm 2.498 ca, Peru ghi nhận thêm 3.527 ca.
Ngày 2-7, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) dự báo sẽ có khoảng 2,7 triệu doanh nghiệp tại Mỹ Latinh phải đóng cửa trong nửa cuối năm 2020 này do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Ngoài ra, kéo theo đó là khoảng 8,5 triệu người cũng bị mất việc làm.
Tại khu vực châu Phi, Nam Phi là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất với thêm 8.728 ca, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 168.061 ca mắc và 2.844 ca tử vong.
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong ngày 2-7. Bộ Y tế Indonesia thông báo, nước này ghi nhận thêm 1.624 ca mắc Covid-19. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát đầu tháng 3. Tính đến nay, số ca nhiễm ở Indonesia là 59.394 ca, trong đó có 2.987 ca tử vong.
Dưới đây là thống kê của Worldometers tính đến 7 giờ sáng nay:
Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 2.833.312 ca mắc, 131.413 ca tử vong
2. Brazil: 1.501.353 ca mắc, 61.990 ca tử vong
3. Nga: 661.165 ca mắc, 9.683 ca tử vong
4. Ấn Độ: 627.168 ca mắc, 18.225 ca tử vong
5. Tây Ban Nha: 297.183 ca mắc, 28.368 ca tử vong
6. Peru: 292.004 ca mắc, 10.045 ca tử vong
7. Chile: 284.541 ca mắc, 5.920 ca tử vong
8. Anh: 283.757 ca mắc, 43.995 ca tử vong
9. Italy: 240.961 ca mắc, 34.818 ca tử vong
10. Iran: 232.863 ca mắc, 11.106 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 59.394 ca mắc, 2.987 ca tử vong
2. Singapore: 44.310 ca mắc, 26 ca tử vong
3. Philippines: 38.805 ca mắc, 1.274 ca tử vong
4. Malaysia: 8.643 ca mắc, 121 ca tử vong
5. Thái Lan: 3.179 ca mắc, 58 ca tử vong
6. Việt Nam: 355 ca mắc
7. Myanmar: 304 ca mắc, 06 ca tử vong
8. Brunei: 141 ca mắc, 03 ca tử vong
9. Campuchia: 141 ca mắc
10. Lào: 19 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Bắc Mỹ: 3.302.843 ca mắc, 171.946 ca tử vong
2. Châu Âu: 2.440.625 ca mắc, 192.564 ca tử vong
3. Châu Á: 2.419.848 ca mắc, 58.889 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 2.362.210 ca mắc, 88.965 ca tử vong
5. Châu Phi: 434.442 ca mắc, 10.662 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 9.643 ca mắc, 126 ca tử vong
(Theo Worldometers, Reuters, AP, TTXVN)