Brazil ghi nhận tháng Sáu cháy rừng tồi tệ nhất trong 13 năm qua

Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil (INPE) đã ghi nhận 2.248 vụ cháy rừng Amazon trong tháng 6/2020, tăng mạnh so với số liệu cùng kỳ năm ngoái và khiến giới chuyên gia vô cùng lo ngại.

Cháy rừng tại Amazon. (Ảnh: Pixabay)

Ngày 1/7, Chính phủ Brazil công bố số liệu cho thấy, số vụ cháy ở rừng nhiệt đới Amazon trong tháng 6/2020 đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành tháng Sáu cháy rừng tồi tệ nhất trong 13 năm qua.

Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil (INPE) đã ghi nhận 2.248 vụ cháy rừng Amazon trong tháng 6/2020, tăng so với 1.880 vụ của tháng 6/2019. Đây là số vụ cháy rừng trong tháng Sáu nhiều nhất mà INPE từng ghi nhận, kể từ mức “kỷ lục” 3.500 vụ cháy rừng hồi tháng 6/2007. Số liệu này khiến giới phân tích lo ngại cháy rừng trong năm nay có thể nghiêm trọng hơn so với năm ngoái.

Dự báo, tình hình cháy rừng Amazon sẽ trở nên nghiêm trọng nhất vào tháng 8 tới. Phần lớn các vụ cháy rừng ở Amazon là do nạn chặt phá và đốt rừng, thường là do người nông dân Brazil thực hiện để lấy đất trồng trọt.

Theo INPE, diện tích rừng Amazon bị tàn phá tại Brazil đã lên tới hơn 2.000 km2 trong 3 tháng đầu năm nay, thậm chí trước khi mùa khô bắt đầu.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia y tế cũng lo ngại khói từ các đám cháy rừng bao phủ khu vực trong mùa khô đang gây nên nhiều bệnh lý về đường hô hấp, có thể khiến bệnh tình của các bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trở nên trầm trọng hơn.

Với diện tích khoảng 7 triệu km2, Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải carbon dioxide.

Được xem là “lá phổi xanh” của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất, là nơi trú ngụ của khoảng 1 triệu thổ dân của 500 bộ lạc và hơn 3 triệu loài động, thực vật khác nhau.