Theo kết luận kiểm tra số 253/KL-TCTL-PCTTr ngày 20-2-2020 về các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc), đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, diễn ra trong nhiều năm, cho đến nay, tổng diện tích mặt hồ đã bị các doanh nghiệp được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự án bồi lấp hàng trăm ha mặt nước so với thiết kế ban đầu.
Bài 1: Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam “bức tử” hồ Đại Lải làm khu biệt thự nghỉ dưỡng?
Sai phạm nghiêm trọng
Tại kết luận kiểm tra số 253/KL-TCTL-PCTTr ngày 20-2-2020 nêu rõ, việc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, trong đó có diện tích được tôn nền để xây dựng công trình, làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa, ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Ngoài ra, việc tôn nền đối với phần diện tích cao trình dưới MNDBT (diện tích ngập hoàn toàn theo thiết kế) làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất đã được xác định là hồ chứa thủy lợi vi phạm khoản 2 Điều 163 Luật Đất đai và khoản 39 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai.
Công ty TNHH Đại Lải đã san nền, đổ đất xuống lòng hồ trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải, thực hiện các hoạt động nhưng không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc hoạt động không đúng nội dung quy định của giấy phép đã được cấp là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Để bảo đảm an toàn cho công trình hồ Đại Lải và bảo vệ chất lượng nước hồ chứa, thực hiện quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật khác liên quan, Tổng cục Thủy lợi đã kiến nghị với UBND tỉnh Vĩnh Phúc dừng toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp thi công, đào đất, san lấp tạo mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, cho đến nay, các doanh nghiệp vi phạm vẫn ngang nhiên triển khai các hoạt động.
Lấp hồ không cần giấy phép
Theo kết quả kiểm tra bốn doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh, xây dựng trong phạm vi hồ Đại Lải tại văn bản số 253/KL-TCTL-PCTTr ngày 20-2-2020, cho thấy, ba trong số bốn doanh nghiệp chưa có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định, cũng như chưa có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Cho đến nay, cả ba công ty gồm: Công ty TNHH Đại Lải, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng và Công ty TNHH Đạt Tiến đều đã và đang thi công bồi lấp mặt nước hồ Đại Lải không đúng với quyết định được cấp, vi phạm Luật Thủy lợi. Tuy nhiên, không hiểu sao các cơ quan chuyên môn và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc lại không hề biết và không có biện pháp quyết liệt ngăn chặn những sai phạm giữa thanh thiên bạch nhật như vậy!?
Tại Điều 8 Luật Thủy lợi nêu rõ: Các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi. Chiếu theo Luật Thủy lợi, việc Công ty TNHH Đại Lải bồi lấp hồ như hiện nay là vi phạm nghiêm trọng Luật Thủy lợi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dung tích hồ chứa, tiềm ẩn nguy cơ trong việc phòng lũ cũng như cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng rộng lớn dân cư.
Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cần khẩn trương, quyết liệt vào cuộc, đánh giá sai phạm và có biện pháp cưỡng chế Công ty TNHH Đại Lải hoàn trả lại nguyên trạng mặt hồ Đại Lải.
Một số quy định của pháp luật về thủy lợi: 1. Phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập (+23m) trở xuống phía lòng hồ. 2. Theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BNNPTNT ngày 26-6-2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành quy chuẩn quốc gia: a. Vùng ngập thường xuyên của hồ chứa nước Đại Lải là vùng mặt đất của lòng hồ nằm từ cao trình MNDBT (+21.50m) trở xuống. b. Vùng bán ngập của hồ được tính từ cao trình MNDBT (21.50m) đến cao trình mực nước lũ kiểm tra (+22.50m) 3. Các hành vi nghiêm cấm được quy định tại Điều 8, Luật Thủy lợi, trong đó có: Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên song, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi. |