5 tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên hơn 5,4 triệu ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước. Trong đó, rừng Tây Nguyên có vị trí, vai trò và tiềm năng rất lớn, nhưng khu vực này đang đứng trước các thách thức trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2019, toàn khu vực Tây Nguyên có hơn 3,2 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích có rừng là hơn 2,5 triệu ha.
Đây là khu vực có diện tích rừng lớn thứ hai cả nước (chiếm khoảng 17,5%), có tiềm năng lớn về tài nguyên rừng và nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp. Rừng Tây Nguyên gắn liền với đời sống đồng bào, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu không chỉ cho khu vực, mà còn cho các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ và toàn bộ vùng hạ lưu sông Mê Kông.
Chất lượng rừng suy giảm nghiêm trọng
Ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng Tây Nguyên đang đứng trước các thách thức rất lớn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đó là yêu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp ngày càng tăng; tình trạng suy giảm diện tích và chất lượng rừng vẫn diễn ra mạnh mẽ…”.
Bên cạnh đó, tình trạng dân di cư tự do, mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển sản xuất lương thực, phát triển cây công nghiệp dài ngày với bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học ngày càng lớn đã tạo những áp lực vào rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp.
Kết quả tổng hợp theo dõi diễn biến rừng năm 2019, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là hơn 2,5 triệu ha (bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán), chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là gần 2,2 triệu ha; còn lại là rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,92%. So sánh với năm 2018 cho thấy, diện tích rừng trồng tại khu vực này tăng lên hơn 18.000ha, trong khi diện tích rừng tự nhiên giảm gần 16.000ha. 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh là Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai.
Cùng với sự suy giảm về diện tích rừng, chất lượng rừng của toàn khu vực hiện cũng đang bị suy thoái, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tỷ lệ rừng trung bình, rừng giàu tại vùng Tây Nguyên còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 18,4% tương ứng với diện tích 0,4 triệu ha; còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi chiếm đến 81,60% tương ứng với diện tích 1,788 triệu ha.
Những khu rừng có chất lượng cao, trữ lượng lớn còn ít và chủ yếu tập trung ở khu rừng đặc dụng. Rừng mới phục hồi do khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, chủ yếu là rừng non có giá trị thấp về đa dạng sinh học cũng như khả năng cung cấp lâm sản, tác dụng phòng hộ và bảo vệ môi trường.
Trọng điểm về phá rừng
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, khô hạn xảy ra trên hầu khắp các địa phương khu vực Tây Nguyên, dẫn đến số vụ cháy rừng trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất khiến diện tích rừng Tây Nguyên bị giảm là do con người tàn phá.
Theo thống kê của Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, từ năm 2019 đến tháng 6-2020, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm về lâm nghiệp. Trong đó, cơ quan chức năng đã xử lý 4.433 vụ vi phạm (xử lý hình sự 314 vụ; tịch thu gần 10.000m3 gỗ các loại). Trong số các vụ vi phạm về lâm nghiệp có 1.309 vụ phá rừng, canh tác nương rẫy trái phép với diện tích rừng bị phá là hơn 410 ha.
Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện 417 vụ phá rừng, tăng 57 vụ so với cùng kỳ năm 2019. |
Trên thực tế, rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật để trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp, cây đặc sản đã diễn ra gay gắt từ nhiều năm, tập trung ở khu vực giao cho các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, UBND xã quản lý. Hình thức phá rừng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, có tổ chức như: Phá vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới; sử dụng công cụ cơ giới (cưa xăng có gắn thiết bị giảm thanh).
Vì vậy, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật tương đối lớn, nhiều vụ việc chưa được phát hiện và xử lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đối tượng trực tiếp phá rừng chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, dân di cư tự do, hầu hết thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn nên khó có khả năng thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số đối tượng thuê đồng bào phá rừng, các đối tượng này khó nhận diện và cần phải có sự điều tra của các cơ quan chức năng. Hầu hết các địa phương không phát hiện và xử lý được các đối tượng cầm đầu thuê người dân phá rừng trái pháp luật.
Cùng với hoạt động phá rừng, tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp. Trong 17 tháng qua, đã xảy ra 2.764 vụ khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, trong đó có nhiều vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật quy mô lớn. Các điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, tập trung tại các khu vực biên giới, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, những nơi còn nhiều tài nguyên rừng.
Có thể thấy, việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm diện tích rừng trên địa bàn Tây Nguyên. Do đó, để đạt mục tiêu bảo vệ 100% diện tích rừng tự nhiên hiện có; ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, chống người thi hành công vụ, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên sẽ phải tăng cường hơn các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân. Cùng với đó, cần thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án, đảm bảo ổn định kinh tế, xã hội trên địa bàn gắn với chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững.