Đập Ô Đông Đức là công trình thủy điện lớn thứ tư Trung Quốc và lớn thứ bảy thế giới.
Trung Quốc chính thức vận hành công trình thủy điện Ô Đông Đức (Wudongde) với chiều cao thân đập gấp rưỡi đập thủy điện Tam Hiệp, đài CGTN đưa tin.
Ngày 29-6, sau khi kết thúc 72 giờ vận hành thử nghiệm, công trình thủy điện Ô Đông Đức đã chính thức đi vào hoạt động, trở thành con đập lớn thứ tư của Trung Quốc và lớn thứ bảy thế giới.
Con đập nằm trên thượng nguồn sông Dương Tử, thuộc địa giới hành chính giữa hai tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam (tây nam Trung Quốc), có tổng công suất lắp đặt là 10,2 GW. Tổng sản lượng điện trung bình hằng năm là 38.910 GW.
Với việc vận hành hết công suất thiết kế, đập Ô Đông Đức có thể tạo ra lượng điện tương đương sản phẩm của một nhà máy nhiệt điện sử dụng 12,2 triệu tấn than tiêu chuẩn.
Nguồn điện từ đập Ô Đông Đức sẽ được dẫn vào hệ thống lưới điện Nam Trung Quốc để đưa đến tiêu thụ tại Vùng vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Ma Cao và nhiều khu vực khác.
Ngoài ra, siêu đập thủy điện này còn góp phần kiểm soát lũ trên sông Dương Tử. Tổng dung tích hồ chứa đạt 7,4 tỉ m3 với khả năng trữ nước trong mùa lũ đạt 2,44 tỉ m3. Chiều cao thân đập là 270 m.
Theo CGTN, đập Ô Đông Đức là công trình thủy điện đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% xi măng nhiệt thấp.
Công nghệ này cho phép các kết cấu bằng bê tông chống nứt vỡ, chống chịu mài mòn vật lý và ăn mòn hóa học tốt hơn so với xi măng thông thường. Xi măng nhiệt thấp cũng giúp công trình ít chịu ảnh hưởng từ sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm vốn rất cao ở khu vực.
Trong cùng ngày 30-6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi việc chính thức vận hành đập Ô Đông Đức và kêu gọi các doanh nghiệp nước này nỗ lực hơn để đưa nền công nghiệp năng lượng lên một tầm cao mới.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, tổng vốn đầu tư đập Ô Đông Đức là 120 tỉ nhân dân tệ (gần 17 tỉ USD). Đây là một trong sáu dự án thuộc bậc thang thủy điện ở trung và thượng nguồn sông Dương Tử do Tập đoàn Tam Hiệp Trường Giang (Trung Quốc) xây dựng. (420 chữ)