Kết quả một nghiên cứu mới cho thấy mức tăng nhiệt độ tại Cực Nam của trái đất gấp 3 lần mức tăng trung bình toàn cầu trong hơn 30 năm qua.
Theo kênh CNN (Mỹ), nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí khoa học Nature Climate Change ngày 29/6 đã cung cấp cái nhìn mới về khu vực xa xôi nhất trên Trái Đất – nơi vốn dĩ các nhà khoa học nghĩ rằng nằm ngoài xu hướng ấm lên toàn cầu.
“Điều này càng làm rõ hiện tượng ấm lên toàn cầu thực sự mang nghĩa toàn cầu và nó đang xảy ra tại những khu vực hẻo lánh nhất”, Kyle Clem – nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ thuộc Đại học Wellington đồng thời là tác giả nghiên cứu – cho hay.
Clem và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu thu được tại điểm cực Nam của Trái Đất. Họ phát hiện từ năm 1989 đến năm 2018, Cực Nam ấm lên 1,8 độ C trong 30 năm qua, với tỷ lệ tăng 0,6 độ C mỗi thập kỷ. Trong những năm 1970-1980, nhiệt độ tại Cực Nam giảm hơn 1 độ C. Ngay sau đó, xu hướng đảo chiều khiến nhiệt độ tại đây tăng gần 2 độ C. Chính việc giảm trước và tăng trở lại khiến nhiệt độ tại Cực Nam nhảy vọt lên 3 độ C, gấp 3 lần so với mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tính toán là 1 độ C.
Các nhà khoa học chỉ ra nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là nhiệt độ bề mặt biển tại khu vực phía Tây Thái Bình Dương gia tăng khiến nhiều khí nóng di chuyển tới Cực Nam nhiều hơn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu do con người gây ra cũng góp phần làm cho tốc độ ấm lên tại đây trở nên nhanh nhất.
“Chúng ta có quy trình thiên nhiên luôn xảy ra trong bối cảnh ấm lên toàn cầu và sự ảnh hưởng của con người lên hệ thống khí hậu. Khi hai yếu tố này kết hợp với nhau, xu hướng ấm lên sẽ rất đáng kể”, nhà khoa học Clem giải thích.
“Nếu chúng ta không có những biện pháp để làm phẳng đường cong về khí thải carbon toàn cầu, Nam Cực sẽ ấm lên và mực nước biển tăng có thể gây ra thảm họa”, các nhà khoa học kết luận.