Ngày 29/6, Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup-Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng chính thức công bố kết quả khảo sát về thú tại đây với thông tin đặc biệt: ít nhất 21 loài với 7 loài đang bị đe dọa toàn cầu đã được ghi nhận.
Đợt khảo sát bắt đầu từ tháng 10 năm 2019, được thực hiện bởi sự hợp tác giữa VQG Bidoup Núi Bà với Viện Sinh thái học miền nam (SIE) và Viện nghiên cứu Động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW), CHLB Đức thông qua bẫy ảnh trên trên toàn bộ diện tích của VQG. Tuy chỉ mới hoàn thành được một phần tiến độ nhưng các kết quả ban đầu cho thấy VQG Bidoup Núi Bà có mức độ đa dạng các loài thú rất cao, ít nhất 21 loài với 7 loài đang bị đe dọa toàn cầu đã được ghi nhận.
Các nhà khoa học hết sức ngạc nhiên bởi tại đây còn nhiều loài thú quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng. TS. Lê Văn Hương, Giám đốc VQG Bidoup – Núi Bà cho biết: “Chúng tôi rất mừng khi khảo sát đã cho thấy mức độ đa dạng cao như vậy. Các loài được cho là đã gần như tuyệt chủng ở các nơi khác của Việt Nam vẫn còn hiện diện tại các khu rừng của VQG Bidoup-Núi Bà. Đây là minh chứng cho thấy Bidoup-Núi Bà là một vùng cảnh quan có giá trị cao cho bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam cũng như toàn cầu”.
Thú vị nhất là đã ghi nhận được loài Mang lớn Muntiacus vuquangensis, một loài thú móng guốc chỉ có thể được tìm thấy ở dãy Trường Sơn và được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) trong sách đỏ IUCN. Các nhà khoa học cho rằng, Mang lớn đã tuyệt chủng tại hầu hết các khu rừng trong vùng phân bố trước đây ở Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả ghi được hình ảnh Mang lớn tại VQG Bidoup-Núi Bà vào năm 2017 cùng với việc nghiên cứu hiện tại đã củng cố thêm nhận định: VQG Bidoup-Núi Bà có thể là nơi tồn tại quần thể khả thi cuối cùng của loài này ở Việt Nam. Và khu thiên nhiên này có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự tồn vong của loài Mang lớn trong tương lai.
Ngoài Mang lớn, các bẫy ảnh cũng đã chụp được hình ảnh của một loài đặc hữu khác của dãy Trường Sơn – loài Cầy vằn Chrotogale owstoni. Loài thú ăn thịt nhỏ này có bộ lông rất nổi bật và hiện đang gần tuyệt chủng do săn bắt tràn lan để cung cấp cho thị trường buôn bán thịt thú rừng trái phép. Ông Nguyễn Thế Trường An, điều phối viện hiện trường, kiêm nghiên cứu sinh của Leibniz-IZW nhận định: “Mặc dù chỉ mới có một nửa diện tích VQG đã được khảo sát nhưng chúng tôi đã thu thập được 7 ghi nhận về loài này. VQG Bidoup Núi Bà là một trong số rất ít khu bảo tồn ở Việt Nam có nhiều ghi nhận như vậy về loài này. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy một quần thể khỏe mạnh vẫn còn tồn tại ở VQG Bidoup Núi Bà”.
Quá trình thu kết quả khảo sát, các thành viên cũng rất ngạc nhiên khi có được nhiều hình ảnh loài Gấu chó Helarctos malayanus. Mặc dù Gấu chó khá phổ biến ở các trại nuôi, nhưng rất hiếm trong các khu rừng Việt Nam. Hình ảnh được biết đến gần đây nhất về Gấu chó trong tự nhiên được chụp cách đây gần 20 năm ở VQG Cát Tiên. Tuy nhiên, qua hình ảnh Gấu chó chịu vết thương có thể do bẫy dây phanh, càng báo động tình trạng săn bắt động vật hoang dã ở Việt Nam. Ông Anh cho rằng, sự hiện diện của các loài đặc hữu và Gấu chó cho thấy Bidoup-Núi Bà chưa chịu nhiều áp lực từ tình trạng săn bắt bằng bẫy dây phanh so với các khu rừng ở dãy Trường Sơn. Kết quả khảo sát còn phát hiện bất ngờ khác, đó là cá thể Nhím bạch tạng, nhím màu trắng là hiện tượng hết sức hiếm. Việc phát hiện này càng khẳng định tiềm năng đặc biệt về đa dạng sinh học nói chung, động vật nói riêng của VQG Bidoup-Núi Bà nhờ mức độ quý hiếm.
VQG Bidoup-Núi Bà vốn đã được các nhà khoa học thế giới khẳng định giá trị tài nguyên thiên nhiên và giá trị nhân văn đặc biệt. Đây là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam; là một trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới; là vùng đa dạng thứ hai về cây lá kim của Việt Nam và là khu vực ưu tiên số 1 (Khu vực SA3) trong chương trình bảo tồn các dãy núi chính ở Việt Nam. Về khu hệ thực vật, hiện nơi đây đã ghi nhận được 2.075 loài có mạch trên tổng số khoảng 12.000 loài thuộc khu hệ thực vật Việt Nam. Trong đó có nhiều loài đặc hữu hẹp, quý hiếm, gồm 73 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và 96 loài thuộc Danh lục đỏ của IUCN. Trong những tháng đầu năm 2020, các nhà khoa học đã ghi nhận được tại Vườn 32 loài mới và ghi nhận mới cho khu hệ thực vật có mạch Bidoup-Núi Bà. Trong đó có 5 loài Lan, 12 loài Dương xỉ và 15 loài thực vật có mạch do nhóm tác giải Trường Đai học Kyushu, Nhật Bản, Trường Đại học Đà Lạt và VQG Bidoup-Núi Bà công bố.
Về khu hệ động vật, hiện đã ghi nhận được 548 loài động vật có xương sống, thuộc 113 họ, 35 bộ; trong đó có 97 loài Sách đỏ quốc tế IUCN năm 2008, Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Danh lục CITES (phụ lục I, II). Hệ động vật bao gồm lớp Chim (Aves), lớp Thú (Mammalia), Lớp Bò sát (Reptilia) và Lớp Ếch, nhái (Amphibia). ThS Sơn cho biết thêm: “Khu hệ động vật tại VQGa Bidoup-Núi Bà vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá, đặc biệt là các nhóm thuộc động vật không xương sống như Côn trùng, Động vật đất…, vì lý do nguồn lực về kinh tế và nhân lực khoa học”. VQG Bidoup-Núi Bà sẽ tiếp tục là tiềm năng to lớn của nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch của Việt Nam.