Một công ty công nghệ và hiệu ứng đặc biệt ở San Francisco đang đưa một con cá heo robot trông giống thật đến đáng kinh ngạc đến các thủy cung và công viên biển ở Trung Quốc để giúp đối phó với lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã gần đây của nước này.
Robot cá heo do Công ty Edge Innovations phát triển. Nguyên mẫu hiện tại được mô phỏng theo một con cá heo mũi chai vị thành niên, nặng khoảng 595 pounds (270 kg) và có thể bơi trong 10 giờ liên tục sau một lần sạc pin.
Cá heo robot được thiết kế để mô phỏng cấu trúc xương của một con cá heo thật, có khối lượng, trọng lượng phù hợp với các chuyển động bơi của một con cá heo thực sự. Răng của nó đã được nhuộm màu vàng nhạt để tăng thêm tính chân thực.
Nó cũng có thể thực hiện một số cử chỉ nhất định để tương tác với khách, như tạo ra những tiếng động rít lên và lắc đầu qua lại.
Công ty Edge Innovations ban đầu đã phát triển nguyên mẫu cá heo như một công cụ giáo dục, nhưng sau lệnh cấm của Trung Quốc vào tháng 2 đối với tất cả các hoạt động buôn bán động vật hoang dã, một cơ hội kinh doanh mới đã xuất hiện.
Công ty hiện đang đưa cá heo robot đến một số thủy cung Trung Quốc và tin rằng nó có thể được bán tới 150 con trong ba năm tới. Công ty ước tính giá cho một con cá heo sẽ nằm trong khoảng từ 40 triệu đến 60 triệu USD, tùy thuộc vào các tính năng mong muốn.
Mặc dù đắt đỏ, nhà thiết kế Li Wang của Edge Innovation tin rằng cá heo sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí bảo trì và chi phí y tế cho cá heo thật và có thể hoàn vốn trong vài năm. Không cần bất kỳ sự bảo trì nào, Edge hứa hẹn cá heo có thể tồn tại hơn 10 năm trong nước muối và thậm chí lâu hơn trong nước ngọt.
.“Xét về thời gian hoạt động kinh doanh trong 10 năm và lượng khách du lịch chơi với cá heo máy hàng năm là hai triệu người, chi phí đầu tư và bảo trì tổng thể cho cá heo máy chỉ chiếm khoảng một phần tư hoặc không quá một phần ba so với chi phí của một thủy cung truyền thống”, ông Wang nói.
Vào tháng 2, Trung Quốc đã cấm buôn bán động vật hoang dã như là một phần của cuộc cải tổ chính sách lớn sau đại dịch Covid-19 toàn cầu.
Lệnh cấm nghiêm cấm việc tiêu thụ động vật hoang dã tại các thị trường ẩm ướt, nơi virus gây dịch Covid-19 được cho là phát sinh, nhưng nó cũng bao gồm việc buôn bán động vật hoang dã quốc tế mà nhiều công viên biển và động vật hoang dã dựa vào để có được động vật mới.
Theo thống kê, việc buôn bán động vật hoang dã đã tạo ra hơn 74 tỷ USD mỗi năm và sử dụng hơn 14 triệu lao động ở nước này trước lệnh cấm.