Theo các chuyên gia, quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước bao gồm cả các vùng ven là rất cần thiết, tuy nhiên cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn vốn.
Ban cán sự đảng UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Ban Thường vụ Thành ủy TP về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.
Theo đó, việc nghiên cứu quy hoạch hệ thống thoát nước mới sẽ được mở rộng trên diện tích khoảng 2.095 km2 bao gồm 23 quận, huyện (trừ huyện Cần Giờ). Như vậy, diện tích quy hoạch thoát nước sẽ được nâng từ 650 km2 lên tới 2.095 km2, gấp ba lần so với diện tích quy hoạch cũ.
Mở rộng gấp ba lần
Điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 với mục tiêu chính là lập quy hoạch thoát nước đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP. Điều chỉnh này còn làm cơ sở cho việc phát triển dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn TP.
Trong tờ trình, Ban cán sự đảng UBND TP cho rằng điều chỉnh quy hoạch thoát nước mới cho TP là việc cần thiết. Ban cán sự đảng TP.HCM cũng nêu rõ hai vấn đề về đồ án quy hoạch tổng thể thoát nước TP.HCM đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 752/QĐ-TTg (quy hoạch 752) đến nay đã gần hết thời hạn quy hoạch và không còn phù hợp với thực tế.
Cụ thể, phạm vi nghiên cứu của quy hoạch 752 chỉ tập trung trong khu vực nội thành hiện hữu với diện tích 650 km2. Phạm vi quy hoạch này chỉ đáp ứng khoảng 32,23% tổng diện tích toàn TP (650/2.095 km2). Hơn nữa, đã có nhiều vấn đề phát sinh do quy hoạch 752 trước đây chưa lường hết các yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng nên không còn phù hợp với thực tế. Thậm chí, các vấn đề sụp lún nền đất tự nhiên của TP.HCM cũng ảnh hưởng rất lớn đến tổng thể chung hệ thống thoát nước của TP.
Trong quá trình đô thị hóa, TP đã mở rộng quy hoạch ra các quận như Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, 2, 9, 12…, vì vậy TP cần nghiên cứu quy hoạch mới thoát nước cho toàn TP. Với quy hoạch mới, đơn vị tư vấn tập trung tiến hành rà soát, nghiên cứu tập trung vào các khu vực đã, đang và sẽ đô thị hóa trong tương lai như quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức…
Ngoài ra, điều chỉnh quy hoạch mới còn nghiên cứu chuyên biệt về cao độ nền và hệ thống thoát nước mặt (bao gồm hệ thống hồ điều tiết); bổ sung, mở rộng thêm nghiên cứu tác động của các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An…
Chuẩn bị tốt về nguồn vốn
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc quy hoạch tổng thể, bao gồm các vùng ven là rất cần thiết, do ở một số vùng ven hiện nay cũng đã xảy ra tình trạng ngập bởi quá trình đô thị hóa.
“Hiện nay tình trạng ngập ở những vùng ven đã xảy ra. Nếu chúng ta không dự trù thì quá trình đô thị hóa sau này sẽ gây ngập nặng. Điển hình như huyện Hóc Môn cũng đang đô thị hóa nhưng hệ thống thoát nước ở đây lại chưa bài bản” – PGS-TS Quân nói.
Tuy việc quy hoạch tổng thể là rất cần thiết nhưng theo ông Quân, khi thực hiện quy hoạch cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng từ nguồn vốn đến việc trưng cầu ý kiến từ các chuyên gia có chuyên môn. Ngoài ra, để lập quy hoạch tổng thể cần phải có nhiều số liệu khác nhau, từ địa hình đến hệ thống thoát nước hiện hữu… Những dữ liệu này phải chính xác thì chất lượng quy hoạch mới tốt được. “Ngoài những số liệu liên quan đến kỹ thuật, khi lập quy hoạch nếu muốn đạt được hiệu quả cần phải có đội ngũ chuyên gia am hiểu về kinh tế, chính sách để phân tích lộ trình triển khai quy hoạch” – PGS-TS Quân nói thêm.
Đồng quan điểm, một chuyên gia cho rằng TP cần có tính toán về kinh phí, năng lực để thực hiện quy hoạch tổng thể lớn như vậy. Chuyên gia này cho hay từ trước đến nay 23 quận, huyện vẫn có quy hoạch, tuy nhiên quy hoạch thoát nước sẽ liên quan đến quy hoạch cốt nền công trình dân dụng, giao thông… Vì vậy, cốt xây dựng và cốt thoát nước phải được quy hoạch sao cho mạch lạc và không phá vỡ quy hoạch vùng trũng chứa nước.
“Quy hoạch thoát nước đi kèm với quy hoạch đô thị. Nhìn qua các nước Pháp, Anh, Mỹ các công trình thoát nước, đô thị đến nay vẫn hiệu quả. Quy hoạch của họ ổn định 300 năm không thay đổi” – vị chuyên gia này nói.
Còn theo GS-TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM), quy hoạch thoát nước phải trên cơ sở theo lưu vực. Nếu quy hoạch lớn thì phải theo quy hoạch lưu vực lớn, còn quy hoạch nhỏ thì theo lưu vực nhỏ. “Quy hoạch đúng phải khoa học, quy hoạch không tốt thì hiệu quả sẽ đi ngược lại. Quy hoạch tổng thể gấp ba lần, bốn lần cho dù gấp 10 lần thì chủ trương, chính sách cũng cần tuân thủ theo quy luật công nghệ nhất định và phù hợp với quy hoạch đó” – GS-TS Lê Huy Bá nhận định.
Thực hiện nhiều chương trình giảm ngập
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, để thực hiện mục tiêu giảm ngập, TP.HCM đã và đang thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020. Trong thời gian tới (giai đoạn 2021-2025), TP tiếp tục thực hiện chương trình giảm ngập với những công việc cụ thể như sau: Thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước nhằm giảm ngập do mưa; xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, đặc biệt là khu vực phía đông TP;… Để triển khai thực hiện công tác thoát nước, chống ngập trên địa bàn, TP đồng loạt triển khai thực hiện các dự án thuộc quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM. Bao gồm các dự án cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước, nạo vét, cải tạo kênh rạch, xây dựng đê, kè… |