Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 là dịp để Việt Nam và các nước thành viên ASEAN tiếp tục trao đổi, thảo luận các biện pháp xây dựng Cộng đồng, củng cố đoàn kết, thống nhất…
Ngày 26/6, Hội nghị Cấp cao chính thức đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 – Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra bằng hình thức trực tuyến.
Theo thông lệ, Hội nghị Cấp cao đầu tiên trong năm sẽ là Hội nghị nội bộ của các Lãnh đạo ASEAN rà soát công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN 35, cho ý kiến chỉ đạo về hướng triển khai các trọng tâm ưu tiên của năm, hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN trong thời gian tới trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, một trọng tâm được các nhà lãnh đạo tập trung trao đổi sẽ là hợp tác ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và tăng cường khả năng phục hồi.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đóng vai trò chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Hội nghị với sự tham dự của Lãnh đạo 10 nước ASEAN, các bộ trưởng phụ trách những trụ cột Chính trị-An ninh, Văn hóa-Xã hội và Kinh tế của các nước thành viên, các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực các nước ASEAN, đại diện Ngoại giao đoàn tại Hà Nội…
Nhiều hoạt động sẽ diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, trong đó có Phiên họp đặc biệt của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số, vốn là sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm kỷ niệm 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh Bắc Kinh về thúc đẩy các quyền của phụ nữ.
Hoạt động này nhằm khẳng định cam kết của ASEAN trong thực hiện đầy đủ, hiệu quả các mục tiêu đề ra trong Cương lĩnh Bắc Kinh; thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và hợp tác ASEAN.
Khách mời của Phiên họp gồm Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana.
Phiên đối thoại của Lãnh đạo các nước ASEAN với Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự Phiên đối thoại này với tư cách là Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại AIPA.
Trong Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN và Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), các nhà lãnh đạo ASEAN cùng Đại diện AIPA sẽ trao đổi để tăng cường sự phối hợp giữa hai tổ chức trong xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, vì người dân.
Tại Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện Thanh niên ASEAN, lãnh đạo các quốc gia sẽ đối thoại với đại diện Thanh niên ASEAN về thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong xây dựng Cộng đồng. Các đại diện thanh niên sẽ đệ trình Tuyên bố về thanh niên cho Lãnh đạo các nước ASEAN tại cuộc Đối thoại.
Trong Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC), dự kiến đại diện ABAC sẽ trình Lãnh đạo ASEAN các khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, đẩy mạnh tự do, thuận lợi hóa thương mại – đầu tư trong khu vực và quốc tế.
Về văn kiện của Hội nghị, theo chương trình, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thông qua Tuyên bố Chủ tịch về kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Tuyên bố Tầm nhìn về ASEAN gắn kết, chủ động thích ứng và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 là dịp để Việt Nam và các nước thành viên ASEAN tiếp tục trao đổi, thảo luận các biện pháp xây dựng Cộng đồng, củng cố đoàn kết, thống nhất, tăng cường tương trợ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả hợp tác, tập trung triển khai các ưu tiên, sáng kiến trong năm 2020, nâng cao sự chủ động của ASEAN trước các thách thức khu vực và quốc tế hiện nay, trong đó có dịch COVID-19.