Trung Quốc, nước vốn giữ vị trí dẫn đầu về tiêu thụ nguyên liệu hydrocarbon, đã đạt được kết quả ấn tượng trong việc giảm lượng khí thải.
Trung Quốc đã cắt giảm được khoảng 1/4 lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ khi xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế quay trở lại hoạt động bình thường, mức khí thải CO2 lại tăng lên mốc cao như trước khủng hoảng. Dưới đây là những đánh giá của các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey về vấn đề này.
Theo đánh giá của McKinsey, các quốc gia cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng sản xuất và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để thân thiện hơn với môi trường. Bản báo cáo lưu ý rằng các quốc gia cần thực hiện cải cách trong vòng 10 năm tới để đạt được các mục tiêu giảm phát thải đã công bố trước đó.
Trong bối cảnh đó, tình hình hiện tại là cơ hội tốt để điều chỉnh lại mức tiêu thụ năng lượng và làm cho hoạt động sản xuất trở nên thân thiện hơn với môi trường.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đến cuối năm 2020, nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ giảm 6% bởi vì hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa và đi du lịch giảm mạnh do các biện pháp hạn chế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Kết quả là, lượng khí thải CO2 toàn cầu dự kiến sẽ giảm nhiều hơn nữa.
Giới kinh doanh quốc tế đang tham gia vào sáng kiến phục hồi nền kinh tế theo hướng phát triển xanh. Vào tháng 5/2020, 155 công ty đa quốc gia với tổng vốn hóa thị trường hơn 2.400 tỷ USD đã công bố một bản tuyên bố chung, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới khi phát triển các biện pháp kích thích nền kinh tế không chỉ tập trung vào các chỉ số tuyệt đối về tăng trưởng GDP mà còn phải chú ý đến sự cần thiết phải ứng phó với biến đổi khí hậu.
Không chỉ các nhà khí hậu học, cả các đại diện giới kinh doanh đều khẳng định rằng trong năm nay giá dầu thô xuống mức thấp kỷ lục mọi thời đại là dịp tốt để mọi người suy nghĩ về việc thay đổi mô hình phát triển cũ, vốn dựa trên các nguồn năng lượng không tái tạo như than và hydrocarbon.
Trung Quốc, nước vốn giữ vị trí dẫn đầu về tiêu thụ nguyên liệu hydrocarbon, đã đạt được kết quả ấn tượng trong việc giảm lượng khí thải. Vào tháng Hai, khi Trung Quốc trải qua giai đoạn đỉnh của đại dịch, lượng khí thải CO2 từ nước này đã giảm 25%.
Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo lo ngại rằng cùng với thời gian, sau khi nước này phục hồi hoạt động sản xuất, lượng phát thải sẽ nhanh chóng tăng lên mức trước khủng hoảng và thậm chí có thể vượt quá.
Theo tổ chức môi trường Greenpeace, trong 5 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã mở rộng khả năng sản xuất điện đốt than thêm 48 GW – tăng gấp 1,6 lần so với năm 2019. Trong tổng số các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ cung cấp 48 GW, chỉ các nhà máy với tổng công suất 14,7 GW đang được xây dựng.
Phần còn lại hoặc ở giai đoạn lập kế hoạch hoặc ở giai đoạn phê duyệt. Điều này cho thấy than đá vẫn chiếm ưu thế trong cân bằng năng lượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng trước đây Trung Quốc cũng đã giữ vị trí hàng đầu trong quá trình này và giờ đây, Bắc Kinh có thể dẫn đầu thế giới về việc chuyển dịch sang năng lượng xanh.
Chuyên gia Xu Qinhua, người đứng đầu Trung tâm Chiến lược Năng lượng Quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói với đài Sputnik: “Ngay từ khi bùng phát dịch COVID-19, Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc tuân thủ khái niệm phát triển xanh.
Không chỉ coi trọng phát triển xanh và giảm khí thải, nước này còn thúc đẩy khái niệm bảo vệ môi trường vì đây là một phạm trù triết học đặc trưng của nền văn minh Trung Quốc – sống hài hòa với Trái đất và thiên nhiên. Khái niệm này đã ảnh hưởng rõ nét tới Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển sản xuất, tiêu dùng và các hoạt động khác của con người.
Trên thực tế, khái niệm phát triển xanh nhận được sự hỗ trợ ở cấp cao nhất. Kế hoạch 5 năm đầu tiên phản ánh khái niệm này. Các biện pháp cụ thể để giảm khí thải và bảo vệ môi trường bắt đầu được thực hiện sau khi thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ 11. Ví dụ, chính quyền đã đặt ra nhiệm vụ giảm 20% tỷ lệ tiêu thụ năng lượng/tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Các biện pháp đang được thực hiện ở cấp độ lập pháp, ví dụ Luật Năng lượng đang được phát triển nhanh chóng. Kế hoạch bảo vệ môi trường liên quan đến việc tích hợp nhiều quy tắc và phối hợp các chỉ số hệ thống khác nhau.
Khái niệm phát triển xanh liên quan đến tất cả các hoạt động công nghiệp và sản xuất, tất cả các khía cạnh của cuộc sống thương ngày. Về mặt thực tiễn, bước đầu tiên trong quá trình thực hiện khái niệm này là việc nối lại hoạt động sản xuất có tính đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh”.
Trong khuôn khổ Hiệp định Paris, Trung Quốc cam kết sẽ giảm 60-65% phát thải CO2 trên mỗi đơn vị GDP đến năm 2030 so với mức của năm 2005, đồng thời cam kết đến thời gian này sẽ tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng phi hóa thạch trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng lên 20%.
Các chuyên gia cho rằng ngay cả nếu Trung Quốc không thể đạt được “tính trung lập carbon” đến năm 2050, quốc gia này vẫn có thể dẫn đầu thế giới trong việc giảm khí thải nhà kính. Trung Quốc hiện là nhà lãnh đạo tuyệt đối trong lĩnh vực sản xuất tấm pin năng lượng Mặt Trời.
Trong năm 2018, Ủy ban Năng lượng quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố rằng đến năm 2020, nhà nước sẽ chi trả 2.500 tỷ nhân dân tệ cho ngành năng lượng tái tạo, chủ yếu dành cho việc phát triển các nhà máy điện gió và thủy điện, sản xuất năng lượng mặt trời, cũng như xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ sẽ được đầu tư vào các dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời.
Khác với kế hoạch năm 2008 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng khi chính quyền trung ương phân bổ khoảng 4.000 tỷ nhân dân tệ để xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thống nhằm hỗ trợ tăng trưởng GDP, các biện pháp hỗ trợ hiện tại chú ý đến việc phát triển cái được gọi là “cơ sở hạ tầng mới”, trước hết là xây dựng mạng 5G, trung tâm dữ liệu, phát triển Internet vạn vật và Internet công nghiệp, các thành phố thông minh.
Cách tiếp cận như vậy sẽ cho phép, một mặt, tăng trưởng kinh tế thông qua việc số hóa tăng tốc, mặt khác, ngăn chặn việc lượng khí thải tăng mạnh. Ví dụ, Trung Quốc sẽ tạo điều kiện để phát triển các phương tiện di chuyển bằng điện. Theo chương trình phát triển “cơ sở hạ tầng mới”, trong nước sẽ xuất hiện 600.000 trạm sạc cho xe điện. Khoảng 10 tỷ nhân dân tệ sẽ được phân bổ cho mục đích này.