Thị trấn Verkhoyansk xa xôi của Siberia được biết đến với cái lạnh cực độ, nhiệt độ mùa đông thường xuống dưới âm 50 °C. Nhưng vào ngày 20-6, nhiệt độ trong thị trấn đã tăng vọt lên mức 38 °C (tức 100,4 °F).
Nếu được xác nhận bởi Hiệp hội Khí tượng Thế giới, hiện tượng này sẽ đánh dấu nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở phía bắc Vòng Bắc Cực.
Vòng Bắc Cực là một trong 5 vĩ tuyến chủ yếu được thể hiện trên bản đồ Trái đất. Đó là vĩ tuyến 66° 33′ 39″ ở phía bắc đường xích đạo. Khu vực ở phía bắc của vòng này gọi là vùng Bắc Cực và khu vực ở ngay phía nam của vòng này gọi là vùng ôn đới bắc.
Trước đó, thị trấn Verkhoyansk đã trải qua nhiệt độ cực cao. Vào ngày 25-7-1988, thị trấn đạt mức kỷ lục 37,3 °C (99,1 °F). Đỉnh cao mới, phá vỡ kỷ lục 32 năm, xuất hiện sau tháng 5 nóng nhất trong lịch sử trên toàn cầu vừa qua, và đặc biệt là vào thời điểm ở Siberia đang diễn ra một đợt nắng nóng.
Theo Tổ chức Dịch vụ Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, trên toàn cầu, tháng 5 vừa qua ấm hơn 0,63 °C so với nhiệt độ trung bình tháng 5 từ năm 1981 đến năm 2010, đủ để lập kỷ lục mới. Nhưng ở các vùng thuộc Siberia, đặc biệt là vùng tây bắc Siberia, nhiệt độ tháng 5 cao hơn trung bình 10 °C. Nhà khoa học khí hậu Martin Stendel thuộc Viện Khí tượng Đan Mạch ở Copenhagen đã viết trên Twitter vào ngày 9-6 rằng, các sóng nhiệt ở Bắc Cực dự kiến sẽ trở nên phổ biến hơn, cùng với việc tan băng vĩnh cửu và gia tăng các vụ cháy rừng.
Nguyên nhân khiến khu vực Bắc Cực đang nóng lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của hành tinh là do hiện tượng khuếch đại Bắc Cực. Theo tổ chức Copernicus, nhiệt độ trung bình ở Siberia từ tháng 12-2019 đến tháng 5 năm nay cũng ấm nhất trong kỷ lục từ năm 1979. Khi kết hợp với dữ liệu từ NASA trở về năm 1880, các nhà nghiên cứu cho rằng, khoảng thời gian sáu tháng này dường như nóng chưa từng có trong vòng 140 năm qua.