Bayer AG, công ty dược phẩm lớn của Đức, sau hơn một năm đàm phán đã đồng ý trả tới 10,9 tỷ USD để giải quyết gần 100.000 đơn kiện nhắm vào thuốc diệt cỏ Roundup gây ung thư.
Nhà sản xuất thuốc và thuốc trừ sâu của Đức, Bayer AG – tập đoàn sở hữu công ty Monsanto sau thương vụ sáp nhập năm 2018, vừa giải quyết được khoảng 75% trong tổng số 125.000 đơn kiện, hãng này cho biết hôm 24/6, theo Reuters.
Monsanto là công ty liên quan tới sản xuất chất độc da cam được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gây ảnh hưởng tới hàng triệu người Việt. Các nạn nhân Việt Nam từng kiện công ty này ra tòa án Mỹ hồi những năm 2005-2009 nhưng không thành công.
Các vụ kiện được hòa giải liên quan đến thuốc diệt cỏ Roundup và các loại thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất Glyphosate khác chiếm khoảng 95% số vụ đang được đưa ra xét xử của Bayer AG.
“Cách giải quyết về Roundup là đúng đắn vào đúng thời điểm sau thời gian dài Bayer không chắc có thể đi đến hồi kết”, Giám đốc Điều hành của Bayer Bayer, Werner Baumann, nói. “Thật không may, chúng tôi phải trả rất nhiều tiền cho một sản phẩm được kiểm duyệt hoàn hảo”.
Công ty dược phẩm hàng đầu của Đức sẽ trả từ 8,8 – 9,6 tỷ USD để giải quyết các vụ kiện hiện tại về Roundup, bao gồm khoản cấp dự kiến dành cho các vụ kiện chưa được giải quyết. 1,25 tỷ USD còn lại sẽ để giải quyết các vụ kiện tiềm năng trong tương lai.
Đến nay, Bayer vẫn bác bỏ mọi trách nhiệm pháp lý và hành động sai trái về vụ việc. Họ cho biết hàng thập kỷ nghiên cứu độc lập cho thấy các sản phẩm là an toàn cho người sử dụng, theo Reuters.
“Bayer không giảm bớt được toàn bộ mối lo, nhưng đã cố gắng làm hết sức có thể”, Adam Zimmerman, Giáo sư Luật từ Trường Luật Loyola (Mỹ), người theo dõi sát sao vụ kiện tụng, nhận xét.
Cái giá mà Bayer phải trả để tránh khỏi các vụ lùm xùm thuốc diệt cỏ cao hơn hẳn các vụ tương tự. Merck & Co’s từng trả 5 tỷ USD để chấm dứt vụ kiện tụng thuốc giảm đau Vioxx đã được thu hồi khỏi thị trường. Bayer cũng từng trả 2 tỷ USD để giải quyết các thiệt hại do thuốc tránh thai Yasmin và Yaz gây ra.
Ken Feinberg, hòa giải viên được thẩm phán chỉ định hơn một năm trước, cho biết ngoài gần 25.000 đơn kiện chưa được giải quyết thì sẽ gần như không còn phiên tòa nào về vụ việc trong những tháng tới.
“Bayer đã tự giải quyết các vụ kiện một cách khôn ngoan thay vì chờ tung xúc xắc ở tòa án Mỹ”, ông Feinberg, người từng hòa giải các vụ tranh chấp lớn khác, nói.