Quảng Ninh đang gấp rút chỉ đạo các địa phương và ngư dân trong việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.
Tuyên truyền đóng vai trò quan trọng
Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 8.123 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có 276 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng khơi chiếm 3,4%, còn lại là tàu vừa và nhỏ hoạt động ven bờ.
Trong nhiều năm qua sản lượng khai thác thủy sản tăng lên theo từng năm. Tuy nhiên vẫn còn hiện tượng ngư dân lén lút sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ, nghề cấm để khai thác thủy sản theo hình thức tận diệt, gây sức ép lớn cho nguồn lợi thủy sản và môi trường thủy sản tại vùng biển ven bờ và khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực và từng bước khắc phục những khó khăn, tồn tại để cùng cả nước khắc phục gỡ thẻ vàng của EC về đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo không theo quy định và đã đạt được những kết quả nhất định.
Cụ thể, Quảng Ninh đã ban hành gần 500 văn bản các loại, bao gồm các chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho đối tượng là các chủ tàu đang hoạt động khai thác thủy sản ven bờ và các phương tiện hoạt động khai thác đang bị cấm chuyển sang các nghề khai thác thủy sản được phép theo quy định. UBND tỉnh cũng đặc biệt quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Trong đó phải kể đến công tác tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản 24/7.
Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh: “Trong lộ trình gỡ thẻ vàng của EC, chúng tôi chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 101 nghìn lượt ngư dân. Đây đều là chủ thể trực tiếp góp phần đánh bắt đúng với quy định của IUU. Đồng thời đăng tải 1.273 tin bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh. In ấn, cấp phát hơn 172.000 bộ tài liệu, tờ rơi các loại. Tổ chức gần 120 lớp tập huấn, hội nghị đào tạo, tuyên truyền, đối thoại cho hơn 8.600 lượt ngư dân, cán bộ công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Đặc biệt, thực hiện lễ ký cam kết không mua bán, vận chuyển, sử dụng ngư cụ, công cụ cấm để khai thác thủy sản giữa ngư dân, chủ tàu cá, các hộ kinh doanh ngư cụ, với chính quyền địa phương đối với 6.700 ngư dân”.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát ngăn chặn xử lý vi phạm, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thực hiện đạt nhiều hiệu quả, qua đó đã xử phạt 4.676 vụ vi phạm và thu phạt hơn 22,9 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với giai đoạn 2015 – tháng 6/2017. Nếu các đối tượng chống đối sẽ kiên quyết tịch thu, tiêu hủy phương tiện tàu cá vi phạm (trong đó đã tiêu hủy 26 phương tiện, chờ tiêu hủy 4 phương tiện) và nhiều ngư cụ là tang vật vi phạm khác. Tất cả những việc làm này đều hướng tới lợi ích lâu dài cho thủy sản của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Ông Minh nói thêm.
Ngoài ra Quảng Ninh cũng là địa phương tiên phong trong cả nước triển khai đồng bộ công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đã có hơn 11,3 triệu con giống các loại ra môi trường tự nhiên, số lượng giống thả tăng gấp gần 3 lần so với giai đoạn 2015 – 2016.
Các khu bảo tồn biển nhằm tái tạo nguồn lợi, cấm khai thác thủy sản được hình thành. Đơn cử như khu bảo tồn biển Cô Tô – Đảo Trần và cấm các hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long…
Quảng Ninh đồng lòng cùng cả nước gỡ thẻ vàng EC
Theo lộ trình để EC gỡ thẻ vàng trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, kiểm soát ghi nhật ký hành trình. Việc làm này được Sở NN-PTNT trực tiếp triển khai, đồng thời cam kết cùng ngư dân địa phương thực hiện việc đánh cá có trách nhiệm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT): Để việc đánh bắt thủy hải sản có trách nhiệm, đúng quy định của pháp luật, Quảng Ninh cần tập trung đẩy mạnh công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, kiểm soát việc ghi nhật ký hành trình, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho các tàu cá đủ điều kiện.
“Đề nghị tỉnh Quảng Ninh tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý vi phạm đối với những tàu không lắp thiết bị giám sát hành trình, không có giấy phép khai thác và không đảm bảo điều kiện an toàn khi khai thác trên biển. Kiên quyết xử lý không cho rời bến, rời cảng với những tàu cá này để bà con tuân thủ các quy định của pháp luật. Đây là một trong những lộ trình để cả nước tiến tới gỡ cảnh báo thẻ vàng của ủy ban EC” ông Hùng nhấn mạnh.
Trước đó, Đoàn làm việc của Tổng cục Thủy sản và chuyên gia của EC đã đến Quảng Ninh, ghi nhận và đánh giá cao công tác triển khai, phổ biến quy định IUU đối với ngư dân Quảng Ninh. Nhiệm vụ lâu dài trong thời gian tới để khắc phục tình trạng đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định được tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo, đẩy mạnh công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm; kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị, địa phương thường xuyên để xảy ra các sự vụ vi phạm tại khu vực quản lý. Những việc làm cụ thể đã giúp ngư trường của tỉnh Quảng Ninh dần đi vào quy củ, có chiều sâu trong công tác quản lý.
Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện rất tốt các quy định của IUU đối với thủy sản địa phương, dựa vào Chỉ thị số 18-CT/TU. Trong thời gian tới, ngành thủy sản tiếp tục tăng cường nguồn lực, tập trung cho giai đoạn 2021-2025, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí bổ sung để các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát (cả trên bờ và mặt nước) việc vận chuyển, tàng trữ, sử dụng và buôn bán chất nổ, xung điện, các ngư cụ, các nghề bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh; tiếp tục duy trì tuần tra bám biển 24/24 giờ tại các ngư trường trọng điểm. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (xem xét xử lý hình sự đối với các đối tượng có hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản mà đã bị xử lý nhiều lần; tịch thu, tiêu hủy theo quy định các phương tiện vi phạm không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp).
Theo mục tiêu Nghị quyết về phát triển kinh tế thủy sản đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 của tỉnh Quảng Ninh: Các địa phương trong tỉnh tiếp tục thống kê, rà soát tàu cá, đồng thời thực hiện kế hoạch nâng cấp tàu, chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác thủy sản. |