Liên hợp quốc (LHQ) đã hối thúc Ai Cập, Ethiopia và Sudan hợp tác cùng giải quyết bất đồng về đập thủy điện Đại Phục hưng, vốn là nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực này lâu nay.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 22/6, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nêu rõ LHQ kêu gọi Ai Cập, Ethiopia và Sudan hợp tác nhằm nhanh chóng giải quyết hòa bình những bất đồng dai dẳng lâu nay liên quan tới công trình thủy điện này. Ông nhắc lại tầm quan trọng của Tuyên bố Nguyên tắc về con đập năm 2015, trong đó nhấn mạnh tới sự cần thiết phải hợp tác dựa trên tinh thần xây dựng, luật pháp quốc tế và các lợi ích chung.
LHQ ra lời kêu gọi trên sau khi ngày 19/6, Ai Cập hối thúc tổ chức đa phương này hỗ trợ giải quyết bất đồng sâu sắc giữa nước này với Ethiopia về đập thủy điện Đại Phục hưng trên sông Nile. Thể theo đề nghị của Ai Cập, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến không chính thức vào chiều 23/6 về vấn đề này. Nguồn tin ngoại giao tiết lộ tại cuộc họp này, HĐBA LHQ sẽ không ra nghị quyết liên quan, mà các nước thành viên HĐBA sẽ chỉ xem xét thư kiến nghị của 3 nước trên (gồm Ai Cập, Ethiopia và Sudan) gửi cho LHQ, trong đó nêu lên những quan ngại của mình liên quan tới con đập. Trong khi đó, Liên đoàn Arab (AL) dự kiến sẽ thảo luận vấn đề này theo đề nghị của Ai Cập trong cuộc họp trực tuyến của các ngoại trưởng AL cũng trong ngày 23/6.
Đập Đại Phục hưng hiện là dự án thủy điện lớn nhất châu Phi, là nguồn gốc căng thẳng tại các nước lưu vực sông Nile kể từ khi Ethiopia khởi công xây dựng cách đây gần một thập kỷ. Ethiopia xem con đập này là cần thiết để điện khí hóa và phát triển đất nước, trong khi Sudan và Ai Cập lo ngại công trình này đe dọa nguồn cung cấp nước thiết yếu. Căng thẳng trong khu vực lên cao sau các vòng đàm phán trong nhiều năm giữa ba nước đã thất bại khi không thể đạt được một thỏa thuận về tích trữ nước và cách thức vận hành đập thủy điện Đại Phục hưng. Ethiopia đã tuyên bố kế hoạch bắt đầu tích nước cho con đập này vào tháng tới mà không cần đạt được thỏa thuận với Ai Cập và Sudan.