Các lực lượng chức năng Botswana bắt đầu tiến hành việc cưa sừng đàn tê giác khiến chúng không còn giá trị đối với những toán đi săn trộm tê giác với mục đích lấy sừng, trong bối cảnh hơn 50 cá thể của loại động vật mang tính biểu tượng châu Phi đã bị triệt hạ trong 2 năm qua tại quốc gia này.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong một thông báo ngày 23/6, Giám đốc Bộ Bảo vệ động vật hoang dã Botswana Cyril Taolo cho biết bắt đầu từ tháng 4 vừa rồi, các lực lượng chức năng cũng đã di chuyển phần lớn đàn tê giác hiện đang sinh sống rải rác trong các khu rừng đến một khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt tại khu vực châu thổ sông Okavango nằm ở phía Bắc nước này. Ông Taolo nêu rõ việc cưa sừng được thực hiện dựa trên các phương pháp khoa học, do đó sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng của đàn tê giác. Toàn bộ số sừng sau khi cưa sẽ được tiêu hủy theo quy định của pháp luật cùng sự chứng kiến của các cơ quan chức năng liên quan.
Trong khi đó, nhà hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên hoang dã nổi tiếng thế giới Neil Fitt cho rằng việc di chuyển đàn tê giác ra khỏi môi trường sống quen thuộc sẽ gây ảnh hưởng tới tập tính cũng như khả năng sinh sản của chúng, tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết trong bối cánh các toán săn trộm tê giác ngày càng trở nên manh động hơn.
Hồi tháng 4 vừa rồi, các lực lượng chức năng Botswana đã tiêu diệt 5 đối tượng săn trộm tê giác lấy sừng sau khi vấp phải sự chống trả quyết liệt. Theo tính toán, nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, đàn tê giác khoảng hơn 500 con tại quốc gia nằm ở phía Nam châu Phi này sẽ biến mất vào cuối năm 2021.
Trước đó, năm 2019, các nhà bảo vệ thiên thiên Nam Phi cũng đã thành công trong việc bảo tồn gần 700 cá thể tê giác sau khi tiêm một hỗn hợp thuốc độc chuyên dụng vào sừng khiến các cá thể này không còn giá trị đối với những toán đi săn trộm tê giác với mục đích lấy sừng.
Ngoài ra, nhằm làm mất giá trị thương mại của sừng tê giác, các nhà bảo vệ thiên nhiên còn dùng phương pháp bắn thuốc gây mê khiến tê giác tạm thời bất tỉnh, sau đó tiêm một hỗn hợp bao gồm thuốc độc và dung dịch nhuộm màu trực tiếp vào sừng.Trong khi thuốc độc sẽ khiến sừng không thể sử dụng với mục đích chữa bệnh, dung dịch nhuộm màu có khả năng thẩm thấu sâu sẽ khiến sừng không còn giá trị trưng bày.
Theo Save the Rhino – tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên về bảo vệ loài tê giác, hiện chỉ còn khoảng 5.500 cá thể tê giác đen đang sinh sống tại châu Phi và phân bố chủ yếu tại khu vực miền Nam lục địa này, giảm đáng kể so với 65.000 cá thể trong năm 1970.