Bình quân hàng năm cả nước trồng được 230.000ha rừng tập trung; dịch vụ môi trường rừng thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng.
Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 5,73%/năm
Tại hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì sáng nay (22.6), phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh:
Trong năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, tiếp tục thu hút được sự quan tâm ủng hộ của toàn xã hội; đồng thời, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro, thiên tai.
Tuy nhiên, “Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng Tây Nguyên đang đứng trước các thách thức rất lớn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng: Yêu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp ngày càng tăng; tình trạng suy giảm diện tích và chất lượng rừng vẫn diễn ra mạnh mẽ…”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Hội nghị lần này là cơ hội để Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững và các bộ, ngành được lắng nghe các ý kiến đề xuất, các ý tưởng sáng tạo; trên cơ sở đó, cùng nhau thảo luận, thống nhất các giải pháp, biện pháp có tính chiến lược để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030; Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững vùng Tây nguyên giai đoạn 2016-2030…
Phấn đấu để tỉ lệ che phủ rừng Tây Nguyên đạt 49,2%
Mục tiêu mà Bộ NNPTNT đề ra là, phải đẩy mạnh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng khu vực Tây Nguyên, để đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu hécta, nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 49,2%.
Để đạt được điêu này, trong thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên cần huy động sự phối hợp vào cuộc của các lực lượng chức năng, phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án phá rừng trong thời gian qua; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và chống người thi hành công vụ.
Phối hợp các địa phương xử lý dứt điểm diện tích rừng bị chồng lấn giữa các tỉnh. Đẩy nhanh thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, đặc biệt là diện tích rừng do UBND xã đang quản lý, đảm bảo toàn bộ diện tích rừng có chủ thực sự; rà soát lại diện tích trồng rừng thay thế để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra…
Hiện trạng rừng Tây Nguyên
Năm 2019, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là 2.559.956ha (bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán), chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỉ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,92%; Diện tích rừng trồng tăng 18.387ha so với năm 2018, diện tích rừng tự nhiên giảm 15.753ha, trong đó 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh là Đắk Lắk: 11.419ha, Đắk Nông: 7.156ha và Gia Lai: 494ha. |