Sau 2 đợt họp (1 đợt trực tuyến và một đợt tập trung), Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc, trong đó đã thông qua 10 luật và 21 nghị quyết quan trọng.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.
Về công tác lập pháp, các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tổ chức bộ máy; quan hệ lao động; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường công tác nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, tiến trình hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA); Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn các Hiệp định đã đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, chủ động lựa chọn đối tác, tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU; khẳng định quyết tâm thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong các hiệp định thương mại cũng như thực hiện nghĩa vụ là quốc gia thành viên ILO của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với 06 dự án luật, gồm: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về giám sát tối cao, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ cũng như sự đồng lòng, chung sức, thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tạo nên sức mạnh to lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, bám sát tình hình thực tế để chủ động chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ, các nhiệm vụ, giải pháp mà Quốc hội đã đề ra trong Nghị quyết số 85/2019/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 để sớm phục hồi kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, đời sống đối với người lao động, đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế và phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020.
Trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Theo đó, ngoài việc xem xét các báo cáo theo quy định, Quốc hội sẽxem xét các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan; kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là những quyết sách quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, thể hiện sâu sắc quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tạo cơ hội mới để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển toàn diện, bền vững.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Trong đó, chuyển đổi đầu tư từ phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 03 dự án thành phần Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và phê chuẩn 04 Phó Chủ tịch và 16 Ủy viên của Hội đồng. Quốc hội cũng đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải và bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với ông Dương Thanh Bình. Công tác nhân sự được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định, đạt sự đồng thuận cao.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, trong đó đã quyết định kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021 và lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước sang năm 2021; bổ sung vốn điều lệ cho Agribank; kết thúc việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam kể từ ngày 01/7/2020.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, do đặc thù của Kỳ họp thứ 9 được tổ chức thành 2 đợt với 2 hình thức họp trực tuyến và họp tập trung nên việc tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền cũng có một số thay đổi so với các kỳ họp trước. Tuy nhiên,về cơ bản, công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp vẫn được triển khai đồng bộ, hiệu quả.